HTX đồ gỗ Minh Trưởng tại thôn Ngô Phần (xã Bình Định, huyện Lương Tài) được thành lập 6/2016, với 21 thành viên tham gia, chuyên sản xuất các sản phẩm về gỗ.
Phát triển đi kèm với đào tạo nghề
Từ khi thành lập, các thành viên luôn hỗ trợ nhau về vốn, đất đai, kỹ thuật để phát triển thị trường tiêu thụ và đến nay tập trung vào ngành nghề chính là sản xuất đồ gỗ thờ tự. Với nội lực của HTX là liên kết các thành viên ở các khâu sản xuất, góp vốn, tài sản đầu tư…, chỉ sau 3 năm hoạt động, HTX đã mở rộng được 2 khu nhà xưởng với 3.000 m2.
![]() |
HTX luôn chú trọng vào công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn. |
Những kết quả hoạt động của HTX đồ gỗ Minh Trưởng rất đáng nể phục, song điều trân trọng hơn là HTX luôn chú trọng vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tuổi đã gần 80, song ông Nguyễn Hữu Triển vẫn đang say sưa chỉ dạy những nét đục mới cho học viên. "Nhu cầu của thị trường với các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ ngày càng lớn mà mình thì già rồi, không đủ sức làm nữa. Sau khi tham gia HTX và hàng ngày được tận tay chỉ dạy cho lớp trẻ kỹ thuật đục, chạm để những sản phẩm truyền thống không bị mai một, tôi thấy rất vui", ông chia sẻ.
Niềm đam mê, lòng nhiệt huyết truyền nghề của những bậc lão thành như ông Nguyễn Hữu Triển là động lực khích lệ HTX tiếp tục bền bỉ phát triển, mở rộng việc dạy nghề. HTX đồ gỗ Minh Trưởng tự đứng ra mở lớp đào tạo nghề duy trì mỗi tháng có 10 học viên, ưu tiên đào tạo cho con em các thành viên và địa phương.
Để mở rộng nguồn lao động, HTX liên kết đào tạo với 5 - 6 cơ sở tại các địa bàn khác nhau và phân nhóm theo các khâu sản xuất. Năm 2019, HTX phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Bồi dưỡng cán bộ, Liên minh HTX Việt Nam mở một lớp đào tạo nghề gỗ với 45 học viên. Sau khi tốt nghiệp các lớp do HTX tổ chức, học viên được thi và cấp Bằng chứng nhận của trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam nên người lao động rất hứng thú theo học.
Nâng chất việc đào tạo
Theo ông Phạm Minh Trưởng, Giám đốc HTX đồ gỗ Minh Trưởng, đặc thù của lao động nông thôn là cần đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc trong từng khâu và phải thường xuyên được thực hành…
Sau khi thành thạo, học viên cần được hỗ trợ tiếp cận những trang thiết bị hiện đại, tạo cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, tại cơ sở, ông Trưởng đã đầu tư nhiều loại máy xẻ vi tính, máy cắt đục…
![]() |
Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tham gia HTX để giúp đỡ nhiều người khác. |
Đồng thời, thu hút nhiều giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn để truyền dạy lại cho người học nghề. Nhờ vậy, đến nay, HTX đã đào tạo nghề gỗ mỹ nghệ cho hàng trăm học viên, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương 6 - 9 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tham gia HTX để giúp đỡ nhiều người khác.
Theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, với đặc thù có nhiều thành viên cùng năng lực, lợi thế riêng, các HTX có thuận lợi trong việc thu hút, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của chính các HTX. Thực tế, các lớp học nghề gắn với nhu cầu của người lao động đã đem đến sự thay đổi đáng kể cho nhiều HTX.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ các HTX có nhu cầu đào tạo nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cũng như các sản phẩm có thế mạnh của địa phương theo hình thức ngắn hạn và dài hạn; kết nối thu hút các giảng viên có chất lượng...
Về phía địa phương, ông Đinh Văn Duân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, cho biết thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đào tạo cho 60% số lao động khu vực nông thôn các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Thy Lê