Dù đã qua đào tạo, song thực tế cho thấy, không có nhiều lao động duy trì và ổn định được cuộc sống từ nghề đã học. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề của huyện Nho Quan.
Còn nhiều khó khăn
Xã Thượng Hòa là một trong 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Nho Quan. Vốn là một xã thuần nông, Đảng ủy, UBND xã xác định hướng đi trước mắt là tâp trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Tuy nhiên, do đặc điểm là vùng chiêm trũng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích trồng lúa của xã hơn 600 ha thì có gần 40% diện tích lúa ở ngoài đê. Vì vậy, năng suất cây lúa phụ thuộc hoàn toàn vào… thời tiết. Năm nào lũ tiểu mãn về sớm thì diện tích lúa ngoài đê coi như mất trắng. Không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
![]() |
Để việc dạy nghề ở Nho Quan đạt mục tiêu đề ra, cần sự chung tay cộng đồng trách nhiệm để người dân sống được bằng nghề đã học. |
Đặc biệt, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, xã đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân trong xã. Trên cơ sở đó báo cáo với huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với lao động địa phương.
Tuy nhiên, dù đã có hàng trăm lao động được học nghề, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nghề nào thực sự phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do trước đây, một số doanh nghiệp về mở lớp dạy trồng nấm, đan chiếu trúc, bèo bồng… cho bà con trong xã, nhưng học viên chưa kịp có thu nhập từ nghề thì doanh nghiệp đã… một đi không trở lại. Người nông dân đành phải bỏ nghề vì không thể tự tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Không có việc làm, đa số lao động địa phương phải ly hương tìm việc. Nam giới thì làm nghề thợ xây đi làm ăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, còn một số chị em phụ nữ đi làm cho các doanh nghiệp ở vùng lân cận. Thế nhưng, do địa bàn doanh nghiệp đóng ở xa nên nhiều chị em không duy trì được công việc.
Đã có thời điểm, gia đình bà Vũ Thị Nương ở thôn Mai Xuân, xã Thanh Lạc trở thành địa điểm để bà con trong xóm tập trung làm nghề đan bèo bồng sau khi được đào tạo nghề.
Bà Vũ Thị Nương nhớ lại: "Chỉ sau vài tháng học nghề, người dân Thanh Lạc đã thạo nghề đan chiếu trúc, đan bèo bồng, xuyên hạt cườm… và đã bắt đầu có thu nhập từ các nghề này. Giá trị của một ngày công lao động không cao, chỉ chừng 30 - 40 nghìn đồng, song cả xóm, cả làng, nhà ai cũng say sưa làm nghề với mong muốn sẽ có được một khoản thu nhập kha khá trang trải cho cuộc sống. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, doanh nghiệp không về thu mua sản phẩm nữa. Nghề phụ mai một dần rồi mất hẳn. Không có việc làm thêm, cuộc sống nhiều gia đình rơi vào khó khăn".
Được dạy nghề nhưng không thể duy trì được nghề, người dân không có thu nhập đã khiến cho chặng đường giảm nghèo của xã Thanh Lạc rơi vào bộn bề khó khăn.
Cần giải pháp đồng bộ để khỏa lấp khoảng trống
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Nho Quan đã đề ra mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho từ 1.800 - 1.900 lao động. Giai đoạn 2010 - 2019, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 5.259 lao động với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Trong đó, cao điểm nhất là năm 2010, 2011 thực hiện đào tạo nghề cho gần 2.000 học viên với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, tập trung vào các nghề: Đính hạt cườm, đan bèo bồng, trồng nấm…
Tuy nhiên, nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề nhưng không duy trì được nghề đã học. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề của huyện trong những năm gần đây. Cụ thể như năm 2015, huyện không tổ chức được lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp nào do không tuyển được học viên.
![]() |
Nghề may là một trong những nghề mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn hiện nay. |
Lý giải về vấn đề này, ông Quách Văn Vĩ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nho Quan cho biết: Do trên địa bàn huyện chưa có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên các học viên sau khi đào tạo nghề chưa giải quyết được nhu cầu việc làm, đầu ra sản phẩm theo nghề đào tạo chưa ổn định, còn bấp bênh nên chưa thu hút được người dân tham gia.
Để công tác đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm một cách hiệu quả, bền vững thì vấn đề quan trọng là cần lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với thực tế tại địa phương, liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm, sản phẩm phải đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng để, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, chỉ có nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng vẫn chưa đủ, mà trong chặng đường này, rất cần có sự đồng hành, chung tay, góp sức và trách nhiệm cao của những doanh nghiệp có tâm, có tầm.
Phạm Duy