Tại Hà Nội, số lượng căn hộ mở bán và bán ra trong quý II/2019 lần lượt chỉ đạt 5.900 và 4.660, tương đương với một nửa các chỉ số tương tự ở quý I/2019. So với cùng kì năm 2018, nguồn cung căn hộ mở bán giảm 27% và lượng bán ra giảm 45%.
![]() |
Nguồn cung căn hộ tại hai thành phố lớn có nguy cơ suy giảm (Ảnh Interntet) |
Nguyên nhân được JLL chỉ ra là do: Thứ nhất, nhu cầu và khả năng cung ứng căn hộ giảm sau thời kì tăng trưởng mạnh cả về cung và cầu căn hộ, đặc biệt trong quý I/2019.
Thứ hai, lãi suất vay ngân hàng đang ở mức cao, quá trình xét duyệt hồ sơ bị siết chặt khiến người dân giảm nhu cầu mua nhà dựa vào nguồn vay. Giá bán được duy trì ở mức ổn định hoặc tăng nhẹ. Nhóm các căn hộ ở phân khúc bình dân và trung cấp vẫn chiếm ưu thế so với nhóm cao cấp. Cùng với đó, căn hộ thông minh với nhiều tích hợp của công nghệ trong không gian sống đang ngày càng phổ biến và thu hút người mua.
Nhận định chung về thị trường, JLL cho rằng, với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại, nguy cơ lạm phát cao và tăng trưởng mạnh ở các quý trước, cầu căn hộ tại Hà Nội sẽ khá ảm đạm trong thời gian tới.
Tương tự, nguồn cung căn hộ cũng không mấy khả quan do quỹ đất ngày càng eo hẹp, và doanh nghiệp đầu tư chịu nhiều sức ép từ việc siết chặt tín dụng trong ngành bất động sản từ quý II/2019.
Tại TP HCM, nguồn cung căn hộ đạt 4.100 căn, tiêu thụ 4.300 căn, không suy giảm nhiều so với quý I/2019, nhưng lần lượt giảm 41% và 41,6% so với cùng kì năm 2018. Về phía cầu, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ căn hộ cao cấp sang nhà phố/biệt thự để mang lại tỷ lệ sinh lời cao. Về phía cung, nhà đầu tư đối mặt với nhiều khó khăn khiến nguồn cung căn hộ trong tương lai dự báo giảm, như thủ tục phê duyệt dự án gặp nhiều khó khăn, tình trạng kéo dài từ đầu năm đến nay, quy trình phê duyệt đất đai, cấp giấy phép xây dựng, mở bán căn hộ bị siết chặt do Chính phủ điều chỉnh nguồn cung theo hướng bền vững.
Minh Trang