Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm khi chiếm tới 88,5% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 1,2 tỷ USD, tương đương 466,3 nghìn tấn, lần lượt giảm 4,1%về khối lượng và giảm 9,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Về lý do xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải: Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia.
![]() |
Xuất khẩu sắn giảm cả lượng và trị giá (Ảnh Internet) |
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong nửa đầu năm nay, lượng sắn và sản phẩm từ sắn Trung Quốc nhập khẩu từ Campuchia tăng 74,5% và Lào tăng tới 246,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo các tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra nhận định xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sẽ có dấu hiệu khởi sắc trở lại do nguồn cung trở nên khan hiếm hơn khi sản lượng sắn tại Tây Nguyên ước giảm mạnh tới 50%. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và dịch bệnh dự kiến cũng làm giảm 20% sản lượng của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020.
Công Trí