Nhận định về tình trạng chuyển giá, trốn thuế ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu khẳng định trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đưa ra các giải pháp chống chuyển giá, nhưng cần phải chi tiết hơn, sâu hơn, không thể vì sự đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước của khối FDI mà hành lang pháp lý cũng như cơ chế lại bị lỏng.
Hiện nay, hoạt động chuyển giá không chỉ xuất hiện ở các DN nước ngoài mà xảy ra nhiều ở DN trong nước.
50% DN FDI kê khai lỗ
Thống kê của ngành thuế cho thấy cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp như Tp.HCM có gần 60% trong tổng số 3.500 DN FDI; Lâm Đồng có 104/111 DN FDI; Bình Dương có 50% DN FDI báo lỗ. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh thua lỗ nhiều nhất là da giày, may mặc, sản xuất, công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, dù kinh doanh thua lỗ nhưng các DN FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, thời gian qua, việc kiểm soát tình trạng chuyển giá, báo lỗ của các DN FDI, DN liên kết ra nước ngoài được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhà nước và dần hoàn thiện khung pháp lý.
Báo cáo của ngành thuế cho thấy, năm 2015-2016, cơ quan thuế kiểm tra 965 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu 6.295,5 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 286 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ngày 15/11, những kết quả trên chỉ phản ánh được một góc của "bức tranh" về tình trạng trốn thuế của DN.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn) nêu nguyên nhân là do hành lang pháp lý về tình trạng chống chuyển giá chưa đồng bộ. Luật Quản lý thuế hiện hành đã xây dựng cách đây 10 năm, sau nhiều lần sửa đổi nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng chuyển giá.
Bà Thanh cho rằng các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết được sắp xếp rải rác tại các chương trong Luật là chưa hợp lý như: Điều 12 về hợp tác quốc tế được quy định tại Chương 1. Điều 17 về nghĩa vụ của người nộp thuế được quy định tại Chương 2; Điều 42 về nguyên tắc kê khai và tính thuế, Điều 43 về hồ sơ khai thuế được quy định tại Chương 3 và Điều 50 về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật được quy định tại Chương 5.
"Kết cấu này chưa thể hiện được sự kiên quyết, chưa đủ mạnh về vấn đề chuyển giá, trốn thuế tại các DN, khó ngăn chặn trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi rất nhanh", bà Thanh nói.
![]() |
Nhiều DN FDI báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh |
Chốt chặt hai "thủ đoạn"
Từ những phân tích trên, bà Lan đề nghị những quy định về quản lý thuế có DN có hoạt động liên kết được kết cấu thành một chương trong Luật.
Bàn về giải pháp chống chuyển giá, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần hướng đến hai cách thức, hay thường gọi là "thủ đoạn" mà các DN chuyển giá thường sử dụng. Thứ nhất là kiểm soát thật chặt chẽ việc liên quan đến giá hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư.
Theo ông Cường, để làm được việc này, không chỉ có kiểm soát trong nước mà phải có sự liên thông quốc tế, thậm chí phải có được cả bản báo cáo tài chính của công ty mẹ để biết được thực tế chi phí như thế nào. Phải có giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa nguyên vật liệu của quốc tế. Việc này cần sự hợp tác quốc tế đối với chống chuyển giá.
Thứ hai, phải có quy định về vấn đề liên quan đến sử dụng vốn vay nội bộ. Nếu một DN vay vốn của một tổ chức tín dụng thì đương nhiên sẽ phải trả lãi cho khoản vay tín dụng đó, và được tính vào chi phí. Nhưng nếu lại vay vốn của chính công ty mẹ thì lúc đó không phải là vay vốn mà thực chất là mượn vay vốn để chuyển lợi nhuận.
"Trong những trường hợp này phải khống chế phần vay vốn nội bộ được phép bao nhiêu phần trăm", ông Cường kiến nghị.
Theo quan điểm của đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, vấn đề chuyển giá hiện nay vẫn chưa đi vào tính toán một cách rõ nét, kể cả trong công tác kiểm toán cũng như xem xét nguồn gốc thuế ảnh hưởng đến hoạt động của các DN, bao gồm các DN FDI.
Ông Khuê cho rằng đang có kẽ hở mà các cơ quan hữu quan cần vào cuộc để có sự phân tích, xem xét và đánh giá đúng mức về thực trạng vì sao các DN FDI lỗ kéo dài.
"Vậy, nguồn lợi nhuận thật nằm ở đâu? Phải chăng chúng đang ẩn nấp trong câu chuyện chuyển giá? Phải chăng đây cũng chính là khe hở dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước?", ông Khuê đặt vấn đề.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung được một số nội dung trong Nghị định, nhưng việc chống chuyển giá có nhiều hình thức khác nhau, cơ quan thuế hiện đang quản lý ở khâu sản xuất kinh doanh, còn khâu đầu tư thì chưa quản lý được.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay, mỗi năm Việt Nam kêu gọi 18-20 tỷ USD đầu tư nước ngoài, giải ngân hàng năm 15-17 tỷ USD. "Nhưng trên thực tế, con số này chưa được xác thực, mà chủ yếu là các DN khai thế nào mình biết thế ấy. Sau đó, các DN này tự tính khấu hao. Đấy chính là chuyển giá", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu hợp lý, làm sao để Luật Quản lý thuế sửa đổi khi ban hành sẽ nhận được sự đồng thuận và có chất lượng cao nhất.
Thanh Hoa