Mở lòng ra, hợp tác thật, làm thật
![]() |
Bà Trần Thị Kim Nhung, - Giám đốc công ty TNHH Kim Đồng Thuận |
Trong năm 2020, chiến lược của chúng tôi là sẽ chính thức thành lập công ty phân phối tại thị trường Mỹ. Công ty hợp tác với bà con nông dân trồng nông sản hữu cơ tại Việt Nam rồi xuất nguyên liệu sang Mỹ, sản xuất và đóng gói tại Mỹ và nhập khẩu ngược đến các nước.
Song song đó, công ty vẫn tập trung phát triển thị trường nội địa trong năm 2020. Thực tế là thị trường tiêu thụ tại Việt Nam và Trung Quốc có xu hướng và thị hiếu gần giống nhau, đó là thích bao bì sặc sỡ và bắt mắt. Có vẻ như bao bì đẹp là một trong những chọn lựa đầu tiên cho sản phẩm, rồi sau đó là giá thành, rồi mới đến chất lượng.
Cho nên, để sản phẩm nông sản ổn định đầu ra tại thị trường nội địa trong năm 2020, chúng tôi cho rằng vẫn phải đáp ứng trình tự đó. Mặc dù vậy, việc tiêu thụ ở thị trường nội địa có những khó khăn riêng nếu so với xuất khẩu (XK). XK có vẻ ổn hơn vì không bị công nợ. Còn ở trong nước, lối mòn của các DN nông sản Việt, kể cả hệ thống chuỗi bán lẻ hiện đại là đều đưa tiêu chí công nợ lên hàng đầu. Vấn đề này khiến cho giá thành sản phẩm nông sản trong nước cao hơn giá XK.
Riêng về sự liên kết giữa DN với bà con nông dân, chúng tôi vẫn thấy còn gặp nhiều khó khăn và mong muốn những khó khăn này có thể tháo gỡ phần nào trong năm 2020. Thực tế, trong tuyên truyền, chúng ta luôn kêu gọi nông dân về chuỗi liên kết bền vững, nhưng khi liên kết thì nông dân thường đặt ra “100 điều khó” cho DN.
Ví dụ như “Bao tiêu giá, vậy khi giá thị trường lên cao thì sao?”. Hoặc là “Công ty phải hỗ trợ cung cấp phân thuốc, quy trình máy cơ giới 100%...”. Nếu lối mòn này không khơi thông, suy nghĩ không mở thì thật sự DN có muốn hỗ trợ cho nông dân cũng rất khó khăn.
Từ kinh nghiệm 5 năm hợp tác, liên kết với nhiều HTX nông nghiệp về trồng theo quy trình hữu cơ và bao tiêu XK, trong năm mới, chúng tôi mong rằng tất cả phải tiếp tục mở lòng ra, hợp tác thật, làm thật và làm thật hiệu quả để tồn tại. Khi chất lượng XK tốt, giá xuất cao thì mức giá mà DN thu mua bao tiêu cho nông dân chắc chắn phải cao thôi.
Phải nghĩ rằng chúng ta không còn trong giai đoạn làm để báo cáo thành tích, mà phải thay đổi. Nếu so với nông nghiệp các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia thì chất lượng không ít ngành hàng nông sản của chúng ta thậm chí còn thua kém. Không phải chúng ta không làm được mà là do đã quen cách cũ và không muốn thay đổi để nâng cao chất lượng nông sản.
Nâng tầm nền nông nghiệp quốc gia
![]() |
Ông Trương Phú Chiến - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Bibica (thành viên PAN Group) |
Chúng tôi cho rằng xu hướng của các DN trong ngành hàng nông sản là cần thể hiện được giá trị gia tăng, nghĩa là phải chế biến sau thu hoạch phải rất tốt. Đó là một trong những cơ hội để giúp cho bạn bè thế giới thấy rằng Việt Nam trong năm 2020 và những tiếp theo phải là một trong những quốc gia cung cấp mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tốp đầu thế giới.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt cũng cần phải biết ứng dụng. Đối với ngành nông sản thực phẩm, trước đây chúng ta thường lạm dụng vào sự phát triển của công nghiệp, sử dụng những loại hóa chất phụ gia mang nguồn gốc xuất xứ từ vô cơ.
Chính vì vậy, ngành hàng nông sản thực phẩm phải biết lựa chọn vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ. Theo tôi, hiện nay và những năm tới, cả thế giới đang nghiêng về mảng sinh học như Enzyme (men tiêu hoá), Probiotic (men vi sinh) để phục vụ cho chế biến. Điều này rất có lợi cho tương lai chúng ta.
Tập đoàn của chúng tôi cũng đang đi theo xu hướng đó. Tức là tạo ra sản phẩm ngon tự nhiên, ngon từ bản chất nguyên vật liệu nông sản mà chúng ta đưa vào, ngon từ việc quy trình chế biến phù hợp sức khoẻ người tiêu dùng.
Chúng tôi luôn theo đuổi quyết tâm nâng tầm nền nông nghiệp quốc gia, gìn giữ những sản phẩm mang đậm bản sắc, mang hồn cốt và tinh tuý của văn hoá Việt Nam đến từng bữa ăn gia đình và tìm được chỗ đứng xa hơn trên bản đồ thế giới.
Thích ứng với yêu cầu thị trường
![]() |
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Nông sản của Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn, nhất là với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.
Do đó, trong năm 2020, với chiến lược kinh doanh, tôi cho rằng các DN trong ngành hàng nông sản không thể tách rời Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và các FTA khác.
Trong XK, trước tiên chúng ta có thể “hái từ trái thấp”, đó là ở khu vực ASEAN và ASEAN + FTA theo phương châm tiệm tiến và hợp tác phát triển. Sau đó, chúng ta sẽ tiến đến “hái hết” với thị trường toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các DN xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực XK (đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật - SPS sẽ khó khăn hơn). Thực ra, chúng ta không thể có ngay mà phải nâng cao năng lực từ từ.
Trong quá trình chuyển đổi này, theo tôi, các DN nên “lấy ngắn nuôi dài”, có thể tận dụng cơ hội và tích luỹ từ các FTA “tiêu chuẩn thấp” khác (như ASEAN - FTA…).
Bên cạnh đó, các DN XK nông sản cần ứng phó với các rào cản có tính chất “kỹ thuật” ở các thị trường, đòi hỏi một tâm thế chủ động và trách nhiệm, nhất là thích ứng chứ không phải “đối phó”.
Tận dụng cơ hội từ FTA
![]() |
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) |
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 FTA (12 FTA đã có hiệu lực) và đang tiếp tục đàm phán 3 FTA khác. FTA Việt Nam với EU là cơ hội lớn để sản phẩm nông sản Việt Nam xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng của mạng lưới kinh tế thế giới. Việc gia nhập, tham gia các FTA mang lại cho Việt Nam cơ hội mở thêm thị trường cho hàng hóa.
Công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản của Việt Nam là một ngành đang có đà phát triển tốt, là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.
Việt Nam cũng đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm, với trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Trong đó có một số ngành hàng hoặc sản phẩm có thiết bị chế biến hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, ngành nông lâm thuỷ sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như: Sản xuất nông nghiệp dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của các DN trong nước thấp, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản Việt Nam còn quá phụ thuộc vào một số thị trường…
Chú trọng phát kiến mới, sản phẩm mới
![]() |
Ông Bùi Phong Lưu - Tổng giám đốc Công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ |
Trong ngành hàng lúa gạo, cà phê cùng một số số lĩnh vực khác về chế biến nông sản có liên quan đến DN của chúng tôi trong năm 2020 có 2 vấn đề lớn cần quan tâm.
Thứ nhất là thị trường tổng quan của nông sản thế giới kèm theo yếu tố giá cả. Thứ hai là nguồn lực của quốc gia đang được đẩy về đâu?
Hiện nay, DN nước ngoài vào Việt Nam để bán rất nhiều sản phẩm nông sản. Đối với các DN nước ngoài, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ, còn đối với chúng ta thì có lẽ đang phải “vật lộn”. Có những ngành hàng nông sản phát triển tốt nhưng cũng có những ngành phải lùi lại.
Với nông sản nói chung hay lúa gạo, cà phê nói riêng thì những phát kiến mới, sản phẩm mới như trường hợp công ty của chúng tôi phải liên tục đặt làm trọng tâm.
Trong cuộc đua đó, trong năm 2020, chúng tôi hy vọng một số ngành hàng nông sản Việt có chiều hướng sẽ “thông” hơn so với trước đây, nhất là khi những năm vừa qua có cảm giác những ngành lương thực chế biến, lúa gạo dường như đã chựng lại, không tiến nhiều.
Chúng tôi nghĩ rằng nhu cầu lương thực hay sản lượng lương thực trong năm 2020 là cả một câu chuyện lớn mà bất cứ DN nào trong ngành hàng nông sản Việt cũng đều quan tâm để thích ứng tốt.
Thế Vinh (ghi)