Bất cập trong phát triển của ngành than thể hiện ngay tại quy hoạch phát triển của ngành này, sản lượng khai thác không đáp ứng được yêu cầu của ngành điện.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch phát triển điện VII, theo Quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước, năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 75.000 MW, trong đó các nhà máy nhiệt điện than chiếm 48%.
Quy hoạch lệch pha
Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 146.800 MW và tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện than được nâng lên 51,6%, với tổng công suất lên đến gần 76.000 MW – lớn hơn tổng công suất toàn bộ các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2020.
Trong khi đó, theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016), nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt 47-50 triệu tấn vào năm 2020 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón và hóa chất… Riêng 4 nhóm đối tượng này cũng được ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.
Như vậy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên đến gần 157 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nhập khẩu (NK) tới 100 triệu tấn than vào năm 2030.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 44,5 triệu tấn. Khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc hiện chỉ khoảng 36 triệu tấn, bằng 80% nhu cầu, vì vậy phải NK và pha trộn than để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ.
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/7, cả nước nhập tới gần 23 triệu tấn than đá với tổng kim ngạch gần 2,17 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng than đá NK tăng gần 12 triệu tấn, tương đương tăng 108%, trong khi kim ngạch tăng thêm 69,5%.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cảnh báo tình trạng này sẽ vẫn căng thẳng trong những năm tới, nhu cầu than antraxit sẽ tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy mới vào vận hành như: Hải Dương, Nam Định, Thái Bình 2… Trên thực tế, nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện đã diễn ra trong mấy năm gần đây, lượng NK than gia tăng theo từng năm.
![]() |
Thiếu than đá, thừa than cục, cám
Năm 2016, NK than đạt 13,3 triệu tấn, năm 2017 đã lên tới 14,5 triệu tấn, tăng 9,8%. Năm 2018, lượng than NK đạt 21,4 triệu tấn, tăng 61,4%, kim ngạch đạt 2,27 tỷ USD, tăng 71,6%.
Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), năm 2020, năng lực sản xuất than trong nước cho điện là 35 triệu tấn, thiếu 24 triệu tấn nên phải NK. Bộ Công Thương đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư phải ký hợp đồng cung cấp than dài hạn đến năm 2030.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nếu TKV không cung cấp đủ than thì các nhà máy điện có thể được NK than.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì cùng với các doanh nghiệp liên quan, phối hợp đồng bộ cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy, chấm dứt tình trạng thiếu than như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc không đáp ứng đủ than cho sản xuất điện là do bất cập của chính ngành này. Ông Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, nguyên Trưởng ban chiến lược của TKV, cho rằng có những thời kỳ Việt Nam xuất khẩu (XK) đến 50% sản lượng than. Trong khi lại không biết được rằng sẽ có lúc như ngày hôm nay phải nhập.
“Nếu chính sách và chiến lược được làm một cách khoa học và bài bản thì phải nhận thấy đến một lúc nào đó than sẽ hết và phải nhập về”, ông Sơn nới.
Hơn nữa, trong bối cảnh ngành điện đang kêu thiếu than, năm 2019, Bộ Công Thương vẫn phải đề xuất cho XK 2,5 triệu tấn than (than cục và than cám 1, 2, 3). Trong đó, TKV sẽ XK 2 triệu tấn, bao gồm 1,3 triệu tấn than cám 1, 2, 3 và 700.000 tấn than cục. Còn với Tổng công ty Đông Bắc là 30.000 tấn than cục và 20.000 tấn than cám chất lượng cao.
Một số bộ, ngành đã đề nghị Bộ Công Thương giải trình rõ, rà soát chủng loại than XK trên nguyên tắc loại than nào đang NK thì không được phép XK để bảo đảm ưu tiên than sản xuất cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Sau đó, Bộ Công Thương đã lý giải là kết quả cân đối cung – cầu than hiện nay cho thấy giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám 1, 2, 3 mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm. So sánh loại than XK và NK là khác nhau, loại than mà Việt Nam XK không phải loại đang NK nên việc xin XK than là phù hợp với quan điểm phát triển của ngành.
Như vậy, ngành than đang đứng trước nghịch lý thiếu than đá, thừa than cám, than cục. Chưa kể ngành cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như diện khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa, áp lực mỏ lớn, điều kiện khai thác ngày càng bất lợi… dẫn tới các chi phí về thăm dò, khai thác tăng cao. Điều này khiến giá thành sản xuất than trong nước cao, giảm sức cạnh tranh so với than NK.
Thy Lê