Theo công ty Nghiên cứu thị trường FTA, thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam có doanh số 2,5 tỷ USD/năm và ngày càng có triển vọng lớn khi các khảo sát mới đây cho thấy những mặt hàng dành cho trẻ em đã tăng mạnh trong thời gian qua.
Miếng bánh tỷ đô
Nếu tính chung các loại hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí… dành cho trẻ em, quy mô thị trường này lên đến hơn 5 tỷ USD/năm.
Một trong những lý do khiến thị trường dành cho trẻ em có quy mô lớn và tăng trưởng mạnh vì Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em ở mức cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 – 2 tuổi.
Trong khi các chuỗi bán lẻ F&B (thực phẩm và đồ uống), đồ tiện dụng đang cạnh tranh khốc liệt, khiến không ít tên tuổi phải ra đi khi thị trường bão hòa, ngành bán lẻ các sản phẩm phục vụ mẹ và bé mới trỗi dậy lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp và cả những nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Biểu hiện rõ nhất là tốc độ và tần suất khai trương các cửa hàng gắn liền với những tên tuổi như: BiBo Mart, Kids Plaza, Hồng Minh Baby… ngày một dày hơn, trong đó Bibo Mart đang dẫn đầu với 120 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố.
Ông Hiroyuki Ono – đại diện ACA Investments – thành viên Hội đồng quản trị của Bibo Mart, cho biết, đối với các nhà đầu tư nhỏ và vừa của Nhật Bản, Việt Nam là mục tiêu đầu tư trọng điểm, nhất là đầu tư vào các hệ thống bán lẻ.
Theo bà Trịnh Lan Phương – Tổng Giám đốc hệ thống Bibo Mart, năm 2017, Bibo Mart đặt mục tiêu doanh số hơn 100 triệu USD, đến cuối năm 2019 là 300 triệu USD. Với mục tiêu doanh thu của một công ty như vậy đã phần nào cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn, khiến Việt Nam trở thành “miếng bánh tỷ đô” đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước về ngành hàng đồ dùng cho mẹ và bé.
![]() |
Bibo Mart đang dẫn đầu với 120 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố. Năm 2017, Bibo Mart đặt mục tiêu doanh số hơn 100 triệu USD và 300 triệu USD đến cuối năm 2019.
Cơ hội tiềm tàng, cạnh tranh khốc liệt
Trên thực tế, đồ dùng cho mẹ và bé thường có giá trị nhỏ nhưng lại là thị trường có tần suất mua sắm cao nhất bởi sức hút từ việc có nhiều mẫu mã, lượng sản phẩm đa dạng, phong phú.
Bà Phương cho biết, trước năm 2009, tại Việt Nam có hai kênh bán lẻ chính: kênh truyền thống (cửa hàng nhỏ lẻ, sạp, chợ…) và siêu thị. Tuy nhiên, kênh truyền thống có tầm nhìn, quy mô nhỏ và manh mún nên đây không phải kênh bán hàng có thể phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, kênh siêu thị cũng không hẳn là sự lựa chọn của các bà mẹ khi đi mua đồ cho bé, bởi đây là hình thức bán hàng “tick and pay” (chọn đồ và trả tiền).
Tại kênh bán hàng này, các bà mẹ sẽ không được tư vấn để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất vì trong siêu thị, người mua hàng chỉ mua được những sản phẩm đã được quảng cáo, phổ biến mà không phải như mặt hàng chuyên dụng cho trẻ em.
Còn theo các số liệu nghiên cứu thị trường, những năm gần đây, xu hướng của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống, mô hình siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt.
Lý do là tại những hệ thống này, các bà mẹ có thể được cung cấp đầy đủ những sản phẩm họ cần với chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh cùng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Hơn nữa, ngoài việc kinh doanh chính tại các chuỗi cửa hàng, các hệ thống siêu thị mẹ và bé này còn biết nắm bắt cơ hội khi đáp ứng cả hoạt động bán hàng online, tạo điều kiện thuận lợi mua sắm cho các bà mẹ bận rộn. Như với Bibo Mart, doanh thu từ bán hàng online chiếm 10% tổng doanh thu của toàn hệ thống.
“Với những tiềm năng như vậy, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà cả những chuỗi bán lẻ của nước ngoài cũng quan tâm đến thị trường này. Do đó, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp mở chuỗi tại Việt Nam hoặc gián tiếp bằng hình thức hợp tác với các chuỗi hiện tại trong nước”, bà Phương đánh giá.
Ngoài ra, với quy mô thị trường lớn nên bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên cung cấp những sản phẩm cho các “mẹ bỉm sữa” như Kids plaza, Bibo Mart, Hồng Minh Baby… gần đây, các siêu thị bán hàng thiết yếu như Co.opmart, Big C, Satra Mart… cũng đã bắt đầu chú trọng vào phân khúc khách hàng này.
Theo bà Phương, đây vừa là thách thức và cơ hội của các hệ thống cửa hàng mẹ và bé hiện có, bởi khi có thêm cạnh tranh trên thị trường, sẽ có thêm động lực cho các chuỗi bán lẻ học hỏi và hoàn thiện mình.
Điều này có thể thấy qua những mặt hàng cho mẹ và bé được bày bán trên thị trường hiện nay, khi chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu từ các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc, còn những sản phẩm “Made in VietNam” chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.
Trong hai năm trở lại đây, nhiều nhãn hàng nổi tiếng quốc tế như Morinaga, Meiji… cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, tạo thách thức cho các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này.
Thùy Linh