Tính đến hết tháng 10/2015, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 295 triệu USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2014. Việt Nam chủ yếu XK sang Séc các mặt hàng: dệt may, giày dép, hóa chất, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, túi xách...
![]() |
Thị trường Séc đầy tiềm năng, là cơ hội lớn cho các DN.
Kim ngạch chưa phản ánh tiềm năng
Đạt giá trị XK lớn nhất là mặt hàng giày dép các loại, thủy sản, hàng dệt may... Một số mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng XK như: phương tiện vận tải và phụ tùng túi xách, ví, vali, mũ... Hai mặt hàng có mức sụt giảm XK mạnh là: bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Việt Nam được Bộ Công Thương Séc đưa vào danh mục 12 thị trường nước ngoài chủ chốt trong chiến lược XK giai đoạn 2012 - 2020. Ngược lại, Việt Nam đã đưa Séc vào thị trường ưu tiên tiềm năng từ năm 2011.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: “Giữa hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác thương mại, nên con số kim ngạch XNK chỉ gần 300 triệu USD như hiện nay là còn rất khiêm tốn. Hy vọng, trong tương lai gần, tổng kim ngạch sẽ đạt được ở mức 2 tỷ USD”.
Hiện tại, cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng lớn thứ ba ở Séc. Năm 2013, cộng đồng người Việt Nam ở đây đã được CH Séc chính thức công nhận là một nhóm dân tộc thuộc Séc. Vì thế, trong tương lai, tiềm năng du lịch giữa hai nước chắc chắn sẽ rất phát triển.
Về tiềm năng hợp tác với các DN CH Séc, ông Khương cho biết: “Việt Nam có rất nhiều mặt hàng cạnh tranh, có lợi thế XK trên toàn thế giới, cộng với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, nhân công rẻ và vị trí chiến lược. Những yếu tố trên nếu được kết hợp với công nghệ cao của Séc thì sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản xuất sản phẩm, cung cấp mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Đẩy mạnh hợp tác công nghệ cao
“Công nghiệp cơ khí của Séc rất phát triển, chúng tôi có thể mang tới cho Việt Nam những công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất cơ khí, năng lượng, y tế, giao thông và đầu tư vào những dự án lớn trong ngành công nghiệp cơ khí hiện đại. Đồng tiền crown (CZK) của Séc rất ổn định tại khu vực Trung Âu. Mới đây, ngân hàng đã cố tình hạ giá CZK để thúc đẩy kinh tế phát triển. Séc hiện đạt mức tăng trưởng 4,4%, là mức lớn nhất trong châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ít. Séc rất thiếu nhân lực nên trong tương lai, chúng tôi rất muốn đón các công nhân, lực lượng lao động trẻ và sinh viên Việt Nam sang đây để làm việc”, Chủ tịch Thượng viện CH Séc - Milan Stech, phát biểu tại diễn đàn.
Phòng Thương mại Séc hiện có 14.000 thành viên, là các DN trên toàn CH Séc. Lực lượng DN này chiếm 60% GDP toàn đất nước và tạo việc làm cho 66% lao động trên cả nước.
Ông Borivoj Minar - Phó Chủ tịch phòng thương mại CH Séc, cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát đối với các DN Séc và kết quả cho thấy có rất nhiều DN Séc muốn tìm hiểu thị trường, tham gia hợp tác đầu tư với các DN Việt Nam. Hai bên có thể đẩy mạnh hoạt động về XNK, thành lập công ty chung, hoặc cùng hợp tác kinh doanh tại thị trường thứ ba”.
Lần này, các DN Séc sang Việt Nam chủ yếu tìm kiếm các đối tác thương mại, mở rộng thị trường, phân phối sản phẩm ở các lĩnh vực: năng lượng, giao thông, các thiết bị khai thác hầm mỏ, phụ tùng máy bay, công nghệ làm bia, các sản phầm khử trùng, diệt côn trùng, phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế và vệ sinh công cộng, công nghệ lọc nước, kiểm soát khí thải, sản phẩm phục vụ cho phẩu thuật thẩm mỹ, mỹ phẩm, nước hoa và thực phẩm chức năng, công nghiệp khai khoáng và xử lý vật liệu, công nghiệp cao su, cơ khí...
Việt Nam và CH Séc có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện qua 65 năm, DN hai nước rất quan tâm đến thị trường của nhau. DN Việt Nam có thể liên hệ với Hiệp hội DN Việt Nam tại Séc để tận dụng hệ thống kho bãi này. Bên cạnh đó, Hiệp hội DN Việt Nam tại Séc còn có mối quan hệ với rất nhiều DN Việt Nam và DN Séc nên có thể là cầu nối rất hữu ích để tiêu thụ hàng hóa.
Phương Nguyên