Thông tin tại hội thảo Giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025 diễn ra ở Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP cho biết dù không nằm trong số các quốc gia cung ứng nhiều cá rô phi sang Hoa Kỳ, song Việt Nam vẫn được Hoa Kỳ đánh giá có nhiều tiềm năng xuất khẩu mặt hàng cá rô phi.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý 1 vừa qua tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46% và thị trường Nga chiếm 13% với gần 1,8 triệu USD.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ngành cá rô phi Việt Nam có nhiều điều kiện tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt khi nguồn cung từ Trung Quốc được dự báo suy giảm trong thời gian tới.
![]() |
Theo các chuyên gia, ngành cá rô phi Việt Nam có nhiều điều kiện tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đặc biệt khi nguồn cung từ Trung Quốc được dự báo suy giảm trong thời gian tới. |
Đáng nói, suốt nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là quốc gia xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia lớn nhất cung cấp cá rô phi vào thị trường Mỹ. Từ năm 2018, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên cá rô phi từ Trung Quốc, khiến xuất khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm 40% so với năm 2015.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc năm 2024, cho thấy sản lượng cá rô phi của nước này đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó 55% số lượng dành cho xuất khẩu. Tổng khối lượng xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc năm 2024 là 479.000 tấn, tạo ra giá trị xuất khẩu 1,405 tỷ USD. Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với cá rô phi Trung Quốc, nhập khẩu 127.700 tấn trong năm 2024.
Trong một tuần vừa qua, mức thuế mới 125% của Mỹ đối với Trung Quốc khiến cá rô phi chịu mức thuế 150%, vì loại cá này đã chịu mức thuế 25% từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách là Tổng thống Mỹ. Từ đây đã khiến xuất khẩu cá rô phi từ Trung Quốc sang Mỹ đã gần như ngưng trệ, tạo ra hai xu thế ngược chiều tại Mỹ và Trung Quốc.
Tại Trung Quốc hiện nay, các nhà chế biến cá rô phi ở Quảng Đông và Hải Nam đã phản ứng bằng cách cắt giảm chi phí nguyên liệu thô và giảm khối lượng mua. Mới đây, một nhà chế biến ở Quảng Đông đã ban hành thông báo cho người nuôi cá rằng bắt đầu từ ngày 9/4, giá mua cá rô phi có trọng lượng trên 500g sẽ không vượt quá 8,6 NDT/kg (1,17 USD/kg). Giá cá rô phi có trọng lượng từ 300g đến 500g cũng sẽ không vượt quá 6,6 NDT/kg, giảm 0,7 NDT/kg so với tuần trước đó.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết mặc dù, những năm gần đây Việt Nam có nhiều tín hiệu tốt về xuất khẩu cá rô phi, diện tích nuôi tăng lên, sản lượng nuôi trên 310.000 tấn/năm. Riêng năm 2024, diện tích nuôi cá rô phi đạt khoảng 42.000 ha, sản lượng ước đạt 316.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu 30,9 triệu USD.
Trong Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cá rô phi là một trong những đối tượng tiềm năng được khuyến khích phát triển và ngành thủy sản mong muốn phát triển không chỉ nuôi ao mà còn khai thác được các vùng hồ chứa.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thủy sản đối với việc xuất khẩu cá rô phi, Việt Nam cần phải có tính toán ngay từ đầu. Ngay từ bây giờ phải suy nghĩ xây dựng thương hiệu con cá rô phi Việt Nam, đưa ra tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm toàn cầu nghiên cứu phát triển thủy sản của De Heus, cho biết những ngày vừa qua, các đơn hàng đối tác Mỹ đặt nhập cá rô phi từ Việt Nam đang tăng đột biến, dấu hiệu cho thấy những thương nhân chuyên “ăn hàng” từ Trung Quốc, nay đã chuyển hướng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo dự báo, thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỉ USD trong thời gian tới, trong khi tôm cũng chỉ đạt tối đa 25 tỉ USD. Do đó, ông Tiến cho rằng Việt Nam cần nâng tầm cá rô phi thành sản phẩm chủ lực sau tôm và cá tra.
"Chính sách phải đi trước để phát triển sản phẩm này, chứ không để sản phẩm phát triển rồi, mà chính sách mới đi sau thì sẽ có độ trễ. Ngoài ra, trong phát triển sản phẩm cá rô phi cần lấy sản phẩm đông lạnh làm trung tâm, đồng thời tăng cường chế biến sâu, đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm", ông Tiến kiến nghị.
Chuyên gia của VASEP cũng đồng tình cho rằng Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng cho việc nuôi trồng cá rô phi và đã có kinh nghiệm đáng kể trong nuôi trồng và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản như cá tra. Sự phát triển của các trung tâm sản xuất giống và đào tạo kỹ thuật cho nông dân giúp đảm bảo nguồn cung cấp giống chất lượng và kỹ thuật nuôi tiên tiến. Hiện nay, tỉnh An Giang đã trở thành trung tâm phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu, với sự hỗ trợ từ Trung tâm sản xuất giống thủy sản An Giang.
Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp", chuyên gia của VASEP khuyến cáo.
Hồng Hương