Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Macron cho biết Pháp sẵn sàng đóng góp 700 triệu EUR cho Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA) tại hội nghị thành lập tổ chức này, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của nước Pháp trong việc theo đuổi năng lượng sạch.
Tâm huyết với năng lượng xanh
ISA là một tổ chức liên chính phủ ra đời từ sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2015, với mục tiêu huy động 1.000 tỷ USD cho quỹ phát triển, lưu trữ và công nghệ năng lượng mặt trời trên toàn thế giới. Thỏa thuận của liên minh này hiện có 60 nước thành viên tham gia, trong đó 30 nước đã phê chuẩn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Macron cho biết Pháp sẽ tăng gấp 3 lần mức độ cam kết với ISA, tức là bổ sung thêm 700 triệu EUR nữa để nâng tổng số tiền đóng góp cho Liên minh này lên tới 1 tỷ EUR.
Ngoài lãnh đạo các nước thành viên, sự kiện còn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ các ngân hàng phát triển lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) - những định chế dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận liên quan đến năng lượng mặt trời.
Tổng Giám đốc ISA Upendra Tripathy cho biết mục tiêu chủ đạo của tổ chức này là giảm chi phí tài chính và thúc đẩy các khoản đầu tư trong chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất, phát triển dự án và lưu trữ.
Theo lịch trình chuyến công du, ông Macron sẽ tới khánh thành một nhà máy năng lượng mặt trời do công ty điện lực Engie của Pháp xây dựng ở Uttar Pradesh. Tham gia đoàn công tác của Tổng thống Pháp còn có đại diện các doanh nghiệp như EDF, Dassault Aviation, Schneider Electric hay Suez.
Trong cuộc gặp song phương, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Ấn Độ Modi còn nhắc lại kế hoạch cùng triển khai vào cuối năm nay một dự án hứa hẹn trở thành nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, sau gần 10 năm đàm phán.
Hai vị lãnh đạo của Pháp và Ấn Độ kêu gọi tập đoàn điện lực Pháp Electricite de France SA và nhà sản xuất điện hạt nhân độc quyền của Ấn Độ Nuclear Power Corp. tích cực thảo luận hợp đồng và bắt tay vào công việc tại khu vực Jaitapur, bang Maharashtra trong tháng 12 năm nay. Theo tuyên bố chung của chính phủ hai nước, sau khi hoàn tất, dự án Jaitapur sẽ có tổng công suất 9,6 Gigawatts (GW), tức là lớn chưa từng có.
![]() |
Một trong những nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ
Dự án năng lượng hạt nhân
Thời gian qua, các công ty nước ngoài chuyên sản xuất, cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân tỏ ra do dự khi tham gia các dự án ở Ấn Độ, vì luật pháp nước này quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại khá cao trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho chủ trương tăng gấp 9 lần năng lực hạt nhân của Ấn Độ trước năm 2032. Công suất điện hạt nhân của Ấn Độ hiện khoảng 6,8 GW, tức là chỉ chiếm 2% tổng công xuất điện của cả nước.
Trong tuyên bố chung, ông Macron và ông Modi “hoan nghênh hiểu biết chung của hai bên trong việc thực thi các quy tắc và quy định của Ấn Độ về trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại hạt nhân áp dụng cho dự án Jaitapur”.
Năm 2009, nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân Areva SA của Pháp từng ký thỏa thuận với công ty Nuclear Power cho dự án Jaitapur, sau khi chính phủ Pháp và Ấn Độ ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự.
Đến năm 2016, Areva phải tiến hành tái cơ cấu, và EDF (Pháp) ký hợp đồng với Nuclear Power để cung cấp 6 lò phản ứng tại Jaitapur, một thị trấn nhỏ nằm trên bờ biển phía Tây Ấn Độ, được biết đến với đặc sản xoài và dừa.
Nhiệm vụ chính của EDF là thực hiện tất cả các nghiên cứu cần thiết và mua sắm thiết bị nguyên liệu cho 2 lò phản ứng đầu tiên. Đối với 4 lò còn lại, một số khâu chuẩn bị có thể được giao cho các công ty Ấn Độ.
Hải Châu