“Giai đoạn nghiên cứu dự án đã tính toán nhầm về lượng nước mà nhà máy sẽ cần. Họ biết là nhà máy cần rất nhiều nước, nhưng khu vực này lại không có đủ để cung cấp”, ông Hamidreza Soleymannejad - thành viên ban quản lý dự án thừa nhận.
“Cấu” từ nguồn nước dành cho nông nghiệp
Những số phận như của nhà máy Firouzabad không phải là hiếm ở Iran, mặc dù quốc gia này có trữ lượng dầu khí khổng lồ và mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ để “né” lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng mũi nhọn của nước này.
Theo một đánh giá, có ít nhất 12 dự án hóa dầu, phân bón và lọc dầu, với tổng công suất hơn 5 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai chỉ vì lý do thiếu nước.
“Nhiều dự án trong số này được đề xuất bởi các nhà lập pháp, những người đang cố gắng tạo việc làm trong khu vực bầu cử của mình. Đáng tiếc là khâu nghiên cứu kỹ thuật lại bị bỏ qua”, ông Reza Banimahd - một nhà đầu tư ở Tehran từng tham gia nhiều dự án lọc dầu, cho biết.
Tình trạng thiếu nước là một trong số nhiều thách thức mà Tehran phải đối mặt khi quốc gia này né các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm khó truy xuất nguồn gốc hơn dầu thô.
Tại các nhà máy lọc dầu và các cơ sở chế biến khác, chức năng chủ yếu của nước là làm mát. Sản xuất 1 gallon (khoảng 3,8 lít) xăng cần 0,61 - 0,71 gallon nước. Nhưng việc “cấu” nguồn nước ít ỏi dành cho nông nghiệp sang công nghiệp có thể tiềm ẩn rủi ro chính trị.
Hạn hán và nguồn cung nước đang cạn kiệt đã gây ra tình trạng bất ổn ở Iran. Nông dân miền trung Iran đã biểu tình ở một số thành phố vào năm 2018 vì công tác quản lý nước yếu kém, trong bối cảnh lượng mưa thấp hơn mức trung bình tới 25%.
Nhà máy ở Firouzabad dự kiến có sản lượng 1 triệu tấn ethylene mỗi năm. Đối với một nhà máy cùng công suất thì sản lượng đó đòi hỏi hơn 2 triệu tấn nước mỗi năm để làm mát.
Chính phủ Iran không phải là không nhận thức được vấn đề nguồn nước và cũng muốn nhà máy trị giá 500 triệu USD này chuyển đến khu vực bờ biển để tận dụng nước biển. Nhưng sự phản đối của địa phương đã khiến ý tưởng di dời bị phá sản.
![]() |
Tại các nhà máy lọc dầu chức năng chủ yếu của nước là làm mát |
Khi môi trường bị đẩy xuống thứ yếu
Một vấn đề khác của Iran hiện nay là sự phối hợp thiếu đồng bộ của các bộ, ban ngành. Sự chồng chéo, thậm chí tranh giành quyền hạn, khiến quá trình ra quyết định gặp nhiều trắc trở và các yếu tố thương mại cũng như môi trường của các dự án bị đẩy xuống thứ yếu.
Theo ông Kaveh Madani - nguyên Phó Tổng thống Iran phụ trách các vấn đề môi trường, thì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc chính phủ Iran phải ưu tiên tạo việc làm hơn chuyện nguồn nước và môi trường.
Sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng nhà máy Firouzabad đã gây ra những hệ lụy tức thì, làm đình trệ 4 dự án khác dự kiến sử dụng sản phẩm ethylene của nhà máy này làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất các sản phẩm như nhựa polyester và băng dính.
Bất chấp những thách thức đó, Iran vẫn tăng cường năng lực lọc dầu. Và, theo tuyên bố đưa ra hồi tháng 2 năm nay, thì nước này tự cung tự cấp được mặt hàng xăng.
Các nhà máy hóa dầu của Iran có khả năng sản xuất khoảng 65 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, trong đó xuất khẩu khoảng 22,5 triệu tấn. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 91 triệu tấn trong 2 năm tới và 130 triệu tấn trong 5 năm. Công suất lọc dầu của Iran hiện ở mức khoảng 2,23 triệu thùng mỗi ngày, chỉ sau Ả-rập Xê-ut.
Khoảng 90% lượng nước sử dụng ở Iran là dành cho nông nghiệp, trong khi các ngành công nghiệp chỉ có 10%. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy khối lượng nước sử dụng nhiều hơn lượng nước thêm mới là 3,8 tỷ mét khối mỗi năm, dẫn đến mực nước ngầm giảm nhanh.
Tuy nhiên, một số dự án vẫn quyết tâm triển khai ngay tại các khu vực gặp khó khăn về nước. Nhà máy lọc dầu Shazand ở miền trung Iran đã phải khoan giếng sâu để bơm nước ngầm. Khi vấp phải phản ứng của các chuyên gia môi trường và nông dân, công ty này cho biết sẽ lấy nước từ hồ chứa của đập Kamal Saleh và tái chế nước thải của các thành phố lân cận.
Hải Châu