Tâm điểm của sự đối đầu này là việc các công ty thực phẩm muốn chính phủ ban hành quy định buộc đơn vị sản xuất phải cung cấp thông tin về tất cả các thành phần đã được biến đổi gen (được gọi là GMO) vào nhãn sản phẩm, nhằm bảo đảm tính minh bạch, xuất xứ rõ ràng cho các nguyên liệu sử dụng trong thực phẩm.
Bảo đảm tính minh bạch
Điều này bắt nguồn từ thực tế hiện nay là nhiều nhà sản xuất thực phẩm đóng gói đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, khiến nhu cầu thị trường không tăng trưởng là bao. Bởi khách hàng có xu hướng chuyển sang những thực phẩm có thành phần đơn giản hơn.
Cả Nestle, hãng sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới, lẫn đối thủ như Hershey và Unilever đều mong muốn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra quy định về việc ghi nhãn bắt buộc đối với các thành phần từ cây trồng biến đổi gen như dầu cây hạt cải, dầu đậu tương, đường từ củ cải đường.
Lập luận của các công ty này là người tiêu dùng muốn biết những gì có trong thực phẩm và đồ uống. Và, cách ghi nhãn cụ thể như vậy không chỉ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về tính minh bạch, mà còn tạo sự nhất quán trên toàn thị trường.
Ở chiều tư tưởng ngược lại, người nông dân lại cho rằng trên nhãn sản phẩm không cần thiết phải có nội dung về những thành phần GMO, khi mà chúng đã được tinh chế và xử lý kỹ đến mức khó truy xuất dấu vết về việc đã can thiệp gen bằng công nghệ sinh học.
Quan điểm của người nông dân là nếu như nguyên liệu không còn chứa gen biến đổi khi đưa vào làm socola, sốt mì ống và ngũ cốc, thì cần gì phải ghi nhãn. Đã vậy, luật chỉ yêu cầu công bố những loại cây trồng hoặc thành phần có chứa các vật chất di truyền thế thì đường hay các sản phẩm tinh chế khác không chứa vật chất di truyền sẽ không bị điều chỉnh.
Theo quan điểm của Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng tạp hóa Mỹ (GMA), việc không áp dụng dán nhãn đối với các thành phần tinh chế sẽ làm giảm 78% số sản phẩm phải công bố thông tin theo luật liên bang.
GMA cho hay, khoảng 90% các cây ngô, đậu tương và củ cải đường của Mỹ hiện nay được can thiệp sinh học. Mỹ cũng là một trong số ít quốc gia chấp nhận những công nghệ này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ muốn biết thêm về những gì có trong thực phẩm của họ, bao gồm cả việc hạt giống sinh học đã được sử dụng hay chưa.
![]() |
90% cây ngô, đậu tương và củ cải đường của Mỹ hiện nay được can thiệp sinh học |
Tranh cãi không phải bây giờ mới có
Đối với nông dân trồng củ cải đường ở các bang như Michigan, North Dakota và Idaho, hạt giống chịu được thuốc diệt cỏ không chỉ làm tăng năng suất và lợi nhuận, mà còn hạn chế được nhiều rủi ro biến động trong quá trình canh tác.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là trong trường hợp USDA không yêu cầu dán nhãn những nguyên tố biến đổi gen, các công ty thực phẩm sẽ có quyền tự quyết định cách ghi nhãn như thế nào. Điều này có thể làm gia tăng bất đồng giữa các công ty và nhà cung cấp nguyên liệu, nhất là khi liên quan tới những thành phần không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Đó là chưa kể diện tích ghi nhãn tương đối hạn chế, khiến việc ghi nhãn một cách chính xác và đầy đủ thông tin gặp không ít khó khăn.
Tranh cãi giữa người nông dân và các hãng sản xuất thực phẩm về việc ghi nhãn GMO không phải bây giờ mới có. Cuối năm 2016, nhiều nông dân Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Dannon vì tiếp thị những sản phẩm không biến đổi gen dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, sau khi công ty con Danone tại Mỹ thực hiện các biện pháp cải tổ chuỗi cung ứng nhằm giảm bớt việc sử dụng công nghệ sinh học trong các sản phẩm sữa chua.
Theo Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng (CSPI), trên khía cạnh khoa học, các thành phần cuối cùng của sản phẩm biến đổi và không biến đổi gen không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, các tổ chức khoa học khuyến cáo việc ghi nhãn vẫn là cần thiết. Đơn giản vì người tiêu dùng cần được cung cấp nhiều thông tin nhất có thể và chính xác về mặt khoa học. Còn đối với những thành phần tinh chế cao, USDA có thể đưa ra cơ chế công bố khác.
Hải Châu