Thời gian gần đây, dư luận và ngay cả nhân viên Google râm ran với thái độ quan ngại về việc đại gia internet này chấp nhận “thúc thủ” trước chính sách kiểm duyệt và giám sát thông tin mạng của chính phủ Trung Quốc, nhằm thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới.
Chỉ trích từ trong lẫn ngoài
Công cụ tìm kiếm của Google bị chặn ở Trung Quốc từ năm 2010, nhưng Google được cho là vẫn kiên trì theo đuổi nhiều phương cách khác nhau để tìm đường vào. Tuy nhiên, hôm thứ Ba vừa rồi (11/12), trước mặt Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ, CEO Pichai đã tuyên bố: “Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch triển khai công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông “thòng” thêm một câu, rằng Google vẫn nghiên cứu phương án này được một thời gian rồi và có lúc huy động hơn 100 người tham gia dự án đó: “Đây mới chỉ là nghiên cứu nội bộ thôi. Tôi sẵn lòng chia sẻ công khai quá trình chuẩn bị ra mắt một sản phẩm tại Trung Quốc”.
CEO Google cũng không loại trừ khả năng sẽ triển khai một dịch vụ ở Trung Quốc trong tương lai. Ông cho biết: “Chúng tôi có sứ mệnh cung cấp thông tin cho người dùng và vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng nhiệm vụ của mình là nghiên cứu các phương án mang thông tin đến với họ”.
Đầu năm nay, trang tin tức The Intercept bất ngờ tiết lộ chi tiết kế hoạch Google triển khai dịch vụ tại Trung Quốc với tên gọi Project Dragonfly. Một thời gian sau, Google mới chính thức xác nhận sự tồn tại của dự án.
Kể từ đó, Project Dragonfly hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ bên trong lẫn bên ngoài. Hàng trăm nhân viên đã phản đối chủ trương rằng Google có thể sẽ kiểm duyệt kết quả tìm kiếm và cung cấp cho chính quyền Trung Quốc quyền truy cập dữ liệu cá nhân người dùng.
Ông Pichai khẳng định ở thời điểm hiện tại, Google không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với chính phủ Trung Quốc và nếu một ngày nào đó Google quyết định “xuất khẩu” công cụ tìm kiếm sang Trung Quốc thì ông sẽ thông báo đầy đủ với cơ quan chức năng.
![]() |
CEO Sundar Pichai của Google trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ |
Chắc gì Trung Quốc đồng ý
Còn nhớ, cách đây 4 tháng, trong một bức thư gửi tới các nhà lập pháp Mỹ, CEO Google cho rằng ý tưởng đó sẽ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc. Tuy nhiên ông không nói rõ ý định có hiện thực hóa nó hay không, nếu có thì Google sẽ phải làm gì để tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Reuters, một quan chức Trung Quốc lại nêu quan điểm Google có muốn vào cũng chưa chắc được chấp thuận.
Trước những chất vấn từ ông David Cicilline, thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện, ông Pichai cho biết sẽ rất sẵn lòng thảo luận các nội dung chính sách liên quan đến việc trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) giải quyết các hành vi phân biệt đối xử trên mạng internet.
Đáp lại, ông Cicilline nói: “Tôi không thể hình dung ông sẽ làm thế nào để có thể hoạt động ở thị trường Trung Quốc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành mà vẫn bảo đảm cam kết đối với các giá trị phổ quát, như tự do ngôn luận và quyền riêng tư cá nhân”.
Lâu nay, nhiều đối thủ cạnh tranh của Google trong lĩnh vực tìm kiếm mua sắm và du lịch đã phàn nàn về việc bị “dìm hàng” trên trang kết quả tìm kiếm của Google.
Đây là lần đầu tiên ông Pichai điều trần trước Quốc hội Mỹ, khép lại một năm đầy biến động về chính trị đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Trước đây ông đã từ chối làm việc với ủy ban tình báo Thượng viện tại phiên điều trần tháng 9.
Phần lớn phiên điều trần hôm 11/12 tập trung vào những lo ngại của đảng Cộng hòa rằng kết quả tìm kiếm của Google thiếu khách quan và bị lợi dụng để tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Pichai giải thích rằng công cụ tìm kiếm chỉ giúp mọi người đăng ký bỏ phiếu hoặc tìm địa điểm bỏ phiếu và Google không tham gia vào hoạt động của các đảng phái.
Hải Châu