Thời điểm này, Ủy ban châu Âu (EC) đang nghiên cứu một số đề xuất, trong đó Cơ quan quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) sẽ có thêm nguồn lực và quyền hạn để tổ chức điều tra hoạt động của các ngân hàng có dính líu đến hành vi tài trợ bất hợp pháp.
Mắt xích yếu bị tội phạm khai thác
EC cũng muốn tạo điều kiện cho Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO), một cơ quan mới thành lập, được điều tra các vụ việc liên quan tới tài trợ hoạt động khủng bố ở các quốc gia thành viên kể từ năm 2025.
Cả hai đề xuất trên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và có thể sẽ được đề cập trong bài phát biểu thường niên của Chủ tịch EC Jean Claude Juncker ngày 12/9 trước khi được chính thức đăng tải đầy đủ vào tuần sau.
Động thái của EU được đánh giá là “gãi đúng chỗ ngứa”, vì diễn ra vào thời điểm các nước thành viên đang triển khai nhiều hoạt động chống rửa tiền một cách quyết liệt.
Gần đây nhất là việc phát hiện 30 tỷ USD từ Nga và Liên Xô cũ lặng lẽ chảy qua chi nhánh Estonia của ngân hàng Đan Mạch Danske trong 1 năm. Ngân hàng ING của Hà Lan cũng buộc phải nộp phạt 775 triệu euro vì vi phạm các quy định về chống rửa tiền.
Hai trường hợp nêu trên nằm trong “series” bê bối bị phơi bày và chỉ ra mắt xích yếu kém trong hệ thống ngân hàng của châu Âu đang bị các tổ chức tội phạm khai thác để rửa tiền trên quy mô lớn.
Mặc dù nhiều ngân hàng lớn của EU chịu sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), song việc tuân thủ các quy định về chống rửa tiền lại áp dụng cơ chế khác. Quá trình theo dõi các ngân hàng kiểm tra lý lịch của khách hàng và thực hiện theo luật pháp EU vẫn chủ yếu là trách nhiệm của cơ quan giám sát tại mỗi quốc gia.
Chỉ đến khi liên tiếp xảy ra những vụ bê bối gần đây, vấn đề này mới được EC lưu tâm nhiều hơn và hối thúc việc tăng cường quyền lực giám sát cho các cơ quan hành pháp của EU.
Theo chia sẻ của một quan chức của EU, sau khi chứng kiến EBA loay hoay mất rất nhiều thời gian và thủ tục mới có thể bắt tay vào điều tra ngân hàng Pilatus Bank xung quanh cáo buộc cố tình vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, ban lãnh đạo EC không còn đủ kiên nhẫn nữa và quyết định tiếp thêm “uy lực” cho EBA.
![]() |
EU đang triển khai nhiều hoạt động chống rửa tiền một cách quyết liệt |
Nhu cầu quyền lực và nguồn lực
Thẩm quyền về phòng chống rửa tiền thì có, nhưng EBA thường xuyên gặp khó vì thiếu nguồn lực. Tính bình quân, EBA chỉ có 1,8 nhân viên toàn thời gian được xử lý trực tiếp các vấn đề rửa tiền.
Bản thân ECB cũng tìm mọi cách để thành lập một đơn vị chuyên trách giám sát tuân thủ quy định chống rửa tiền, nhưng EC hiện chưa “mở biên chế” cho một cơ quan mới của EU.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng “cần có một cơ quan thống nhất trên toàn EU để bảo đảm thực thi quyết liệt, hiệu quả và nhất quán”, đồng thời khẳng định chính phủ Pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu và đóng góp ý kiến.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh doanh Đan Mạch Rasmus Jarlov chia sẻ chính phủ nước này muốn ban hành một số quy định về chống rửa tiền với mức độ siết chặt cao nhất châu Âu sau vụ bê bối Danske.
Đối với EPPO, trong tương lai, cơ quan này cũng sẽ được EU mở rộng thêm quyền hạn, từ chỗ chỉ điều tra tình trạng lạm dụng ngân sách EU đến quyền truy tố các bên có liên quan tới tài trợ khủng bố, bắt đầu từ năm 2025.
Ở thời điểm hiện tại, mới có 22 trong số 28 nước EU đăng ký tham gia EPPO, và bất kỳ thay đổi nào về chức năng quyền hạn của cơ quan này đều phải được sự đồng thuận từ tất cả các quốc gia thành viên.
Hải Châu