Thông tin mới từ ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp đối với cổ phiếu của công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) và ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Saigonbank (SGB).
Vietcombank “nhả” Saigonbank
Vietcombank sẽ bán đấu giá công khai 6,6 triệu cổ phiếu CFC với giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phiếu. Nếu các giao dịch thành công, ước tính Vietcombank sẽ thu về ít nhất hơn 242 tỷ đồng từ việc thoái vốn này.
Việc bán cổ phiếu lần này của Vietcombank nhằm mục đích giảm sở hữu chéo do trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở Vietcombank thực hiện nghiêm túc Thông tư 36 về sở hữu chéo.
Hiện “ông lớn” này đang nắm sở hữu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) nhiều nhất. Cụ thể, Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank.
Không chỉ Vietcombank, NHNN cũng đã nhiều lần “điểm tên” các ngân hàng vi phạm Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo tại các TCTD. Theo đó, các ngân hàng “buộc” phải thoái vốn và được lựa chọn giữ lại chỉ hai TCTD nhưng phải thoái vốn về dưới 5%.
Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch lên kế hoạch.
Có thể kể đến các trường hợp như: Eximbank đang nắm giữ 8,76% vốn ở Sacombank; BIDV đang sở hữu 65% vốn tại ngân hàng liên doanh Lào – Việt, 50% tại ngân hàng liên doanh Việt – Nga; Maritimebank đang sở hữu 9,98% ở PGBank và 4,66% ở PVcomBank; Nam Á Bank cũng sở hữu 3,5% vốn tại ngân hàng Bản Việt…
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng đã giảm nhưng chưa được xử lý triệt để một phần do việc thực thi các quy định pháp luật chưa quyết liệt. Các ngân hàng vi phạm chỉ mới bị nhắc nhở mà chưa có ngân hàng nào bị xử lý, nên không tạo được “sức ép” thoái vốn theo đúng quy định.
Vì vậy, nhiều ngân hàng không rốt ráo lên kế hoạch giảm sở hữu chéo mà thay vào đó là tâm lý đợi đến khi nào thuận lợi sẽ triển khai.
Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, diễn biến của thị trường ngày càng khó khăn nên rất khó thu hút nhà đầu tư trong nước rót vốn. Còn muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ dàng, vì quy định mở room cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng chưa được “nới” nhiều nên càng khó thu hút. Do đó, việc các ngân hàng “lỗi hẹn” với Thông tư 36 cũng dễ hiểu.
![]() |
Nhiều TCTD vẫn đang sở hữu cổ phần lẫn nhau, hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD.
Khó xử lý sở hữu chéo
Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng sở hữu chéo đang “rối như canh hẹ” do quy mô và độ phức tạp. Nhiều TCTD vẫn đang sở hữu cổ phần lẫn nhau, hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trước diễn biến khó khăn của thị trường, kế hoạch này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức vì nhà đầu tư muốn thoái vốn thì phải tìm được người mua với mức giá hợp lý mà không thể trả lại vốn đó cho ngân hàng mình đã đầu tư.
Thực tế, có nhiều ngân hàng muốn thoái vốn nhưng không có nhà đầu tư mua, nhất là những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, ngân hàng có nợ xấu cao. Trước tình hình khó khăn này, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch “thoái vốn” với ngân hàng khác bằng giải pháp tăng vốn điều lệ của đơn vị mình, từ đó giảm tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng khác xuống.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc thoái vốn có nghĩa là các nhà đầu tư phải chấp nhận thu gọn quyền lực của mình ở các TCTD; như vậy, không chỉ mất đi sự kiểm soát mà còn mất cả cơ hội làm ăn và đây là điều khiến nhà đầu tư không muốn “buông”.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, nhìn chung các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, quản trị, điều hành đã đầy đủ, vấn đề là thực thi những quy định đó như thế nào.
Dưới góc độ là một chuyên gia ngân hàng, Ts. Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải quyết liệt chống sở hữu chéo trong tư duy của nhà quản lý. Đây không những là tiếng chuông cảnh tỉnh, mà còn có tác dụng răn đe rất nhiều, làm trong sạch và lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng.
Khi giảm thiểu các quan hệ tín dụng thân hữu, đồng vốn mới thực sự chảy vào các khu vực cần vốn của nền kinh tế và có thể tạo ra giá trị thật, thay vì tạo ra bong bóng tài sản như trước đây.
“Vì vậy, không thể cứ mãi nhắc nhở mà phải có biện pháp cứng rắn, chế tài xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ giảm sở hữu chéo tại các TCTD hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Huyền Anh