![]() |
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ. |
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ; các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
Còn khoảng 2 triệu tỷ đồng dư địa cho vay tiêu dùng
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin: theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% nên cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.
"Nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay dư địa cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn", ông Đức nói.
Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao. Có thể thấy cho vay tiêu dùng ở Việt Nam chủ yếu là cho vay tín chấp, phần lớn do các công ty tài chính triển khai và luôn phải đương đầu với nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Ông Đức lưu ý, hiện nay, cho vay tiêu dùng thường tập trung vào 2 sản phẩm phổ biến là cho vay mua nhà (đầu tư bất động sản), sửa nhà chiếm tỷ lệ cao với gần 50% dư nợ tín dụng tiêu dùng, và vay để mua ô tô khoảng 10%. Trong khi 2 sản phẩm khác là thẻ tín dụng và cho vay sinh viên lại chưa phổ biến.
Nguyên nhân một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay.
“Tín dụng tiêu dùng tập trung vào nhu cầu mua và sửa nhà, mua ô tô, các phương tiện đi lại và mua hàng điện máy, điện tử, nhưng việc mở rộng dư nợ những sản phẩm cho vay này đang gặp một số khó khăn”, ông Đức cho hay.
Dư nợ mua nhà chiếm 40% tổng tín dụng tiêu dùng
Đồng tình với đánh giá nhu cầu tín dụng tiêu dùng là rất lớn, song TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng cần phân biệt giữa tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân, bởi đánh giá rủi ro sẽ khác nhau.
“Tiêu dùng cá nhân một nửa là bất động sản, trong đó đầu tư và đầu cơ không nhỏ. Tổng tín dụng ngân hàng cho vay liên quan đến bất động sản là gần 20% năm 2019, trong đó 1/3 là chủ đầu tư dự án và còn lại là khách hàng. Rủi ro trong đầu tư và đầu cơ lớn”, ông Thành nói.
Làm rõ hơn về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng hiện nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012).
Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14-15%). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2019 chỉ khoảng 12,3% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng 1,68 triệu tỷ đồng, dư nợ của 16 công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các ngân hàng (88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).
Theo đánh giá, nhu cầu vay “dưới chuẩn” tiếp tục tăng cao trong thời kỳ hậu Covid-19. Để người dân không phải tìm đến “tín dụng đen” cần phải đẩy mạnh quy mô của các công ty tài chính tiêu dùng.
Các công ty tài chính tiêu dùng cần nghiên cứu thiết kế các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ứng dụng công nghệ tài chính, sao cho có thể thỏa mãn nhu cầu tài chính chính đáng của các đối tượng khách hàng mục tiêu.
Song song với phương thức cho vay truyền thống, các công ty tài chính và ngân hàng thương mại nên triển khai thí điểm các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ fintech, cũng như tạo ra một nền tảng số giống như các công ty cho vay ngang hàng. Cùng với đó là tăng tiện ích, tiết giảm chi phí giúp giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích, nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trước hết là việc nghiên cứu và công bố một chương trình cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm một số quy định mới, sao cho có thể hỗ trợ về cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng.
Thanh Hoa