Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội - MB (mã: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.
Tại đại hội, MB trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 15% so với năm 2022, đạt 26.138 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến trong năm sau (2024) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10-15%.
Theo tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, MB dự kiến tăng từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng), thực hiện trong năm 2023.
![]() |
MB tham gia nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng. |
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Tuy nhiên, trong phần thảo luận, cổ đông cho rằng, năm 2022 lợi nhuận đã tăng trưởng 37%, riêng khối ngân hàng tăng trưởng tới hơn 41%. Vì vậy, đề nghị ngân hàng tăng tỷ lệ cổ tức, chia cổ tức tỷ lệ 22% trong đó 15% để tăng vốn điều lệ và phần còn lại 7% là chia cổ tức tiền mặt.
Trả lời cổ đông, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho rằng, về đề nghị trả thêm cổ tức, hàng năm ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu trả cổ tức khoảng 15%, năm 2020 trả tới 35%, còn năm 2021 trả 20%. Năm 2023 dự kiến sẽ là năm khó khăn hơn, do đó phương án này là phù hợp với năm nay. Giữ lại một chút thặng dư, khi đó yêu cầu quản trị với vốn chủ sở hữu tăng lên.
Ngoài vấn đề về cổ tức, nhiều cổ đông muốn biết dư nợ cho vay bất động sản (BĐS), đặc biệt là dư nợ tín dụng cho Novaland, Hưng Thịnh tại MB là bao nhiêu.
Phó Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết: Hiện nay, tỷ trọng cho vay BĐS tại ngân hàng chiếm 7,8% trên tổng quy mô cho vay, thuộc top các ngân hàng thấp nhất trên thị trường. Nếu cộng cả cho vay cá nhân mua nhà thì cao nhưng không thể hiện đúng bản chất.
Chia sẻ về quy mô cho vay và trái phiếu tại Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam, Phó Tổng giám đốc Phạm Như Ánh chia sẻ: Với Hưng thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp. Novaland là đối tác BĐS lớn, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. “Tuy nhiên, chúng tôi quản lý đánh giá dự án cụ thể, tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này, chúng tôi đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và khách hàng cá nhân.
Hiện, chúng tôi vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023", Phó Tổng giám đốc MB cho hay.
Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trởi. Hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho biết: MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói. Các dự án BĐS đều có tài sản bảo đảm, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.
Riêng với Novaland, Chủ tịch MB khẳng định: “MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, Chúng tôi không có đầu tư gì với Novaland. MB là chủ nợ đứng thứ 4 -5 trong cho vay Novaland”.
Đối với thị trường BĐS, lãnh đạo MB cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay là pháp lý chứ không phải là vấn đề tài chính. Gỡ được điều này thì vấn đề được giải quyết.
Về kế hoạch mua bán, sáp nhập một ngân hàng, HĐQT MB cho biết, đã trình và thông qua tại ĐHĐCĐ. Hiện tại đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được.
Thanh Hoa