Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà là để “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Lãi lớn nhờ...trái phiếu
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của BHTG Việt Nam mới đây, Phó Tổng Giám đốc Vũ Văn Long cho biết tính đến ngày 31/12/2018, có 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 94 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng HTX, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 4 tổ chức tài chính vi mô. Trong năm 2018, tổng số phí BHTG thu được là 6.628,5 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch.
Ông Long thông tin: “Hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTG Việt Nam đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ”.
Cụ thể, số tiền đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi là 12.291 tỷ đồng, đạt 102,3% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động đầu tư năm 2018 là 2.583,1 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 2.595,1 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch.
Đặc biệt, việc đầu tư vào lượng trái phiếu khổng lồ này đem về cho BHTG Việt Nam mức lợi nhuận sau thuế 121,7 tỷ đồng, bằng 127,5 kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 2,08%, tăng 0,49% so với kế hoạch; không phát sinh nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán quá hạn năm 2018.
“Năm 2018 không phát sinh việc chi trả tiền bảo hiểm, nhưng BHTG Việt Nam luôn bám sát diễn biến hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, chủ động chuẩn bị các phương án chi trả khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm”, ông Long cho biết.
Theo quy định hiện hành, các tổ chức phải tham gia BHTG gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, QTDND, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn.
BHTG chỉ được phép chi tối đa 75 triệu đồng để “đền bù” cho người gửi tiền trong trường hợp phá sản ngân hàng.
Thực tế, thời gian qua, mức chi trả bảo hiểm theo quy định này cũng nhận được những ý kiến trái chiều. Trong khi cơ quan quản lý khẳng định mức chi trả hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế, một số cử tri lại cho rằng quá thấp so với số tiền của người gửi tiền tại các ngân hàng.
![]() |
Mức chi trả tối đa của BHTG là 75 triệu đồng |
Ngân hàng khó phá sản
Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, có hiểu biết hạn chế; hạn mức phải đủ thấp để đảm bảo kỷ luật thị trường và hạn chế những rủi ro đạo đức xảy ra.
Những năm qua, ngành ngân hàng đang rốt ráo tái cơ cấu các TCTD yếu kém, nhưng đến thời điểm này chưa có hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra tại các ngân hàng và BHTG cũng chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần phải nâng hạn mức chi trả BHTG lên 100 triệu đồng, vì mức bảo hiểm hiện nay quá thấp so với số tiền gửi tại tổ chức tham gia BHTG, nhiều khi lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trước ý kiến trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng hiện nay, hạn mức chi trả 75 triệu đồng đã chi trả được cho 87,32% số lượng người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của IADI (bảo vệ 90-95% người gửi tiền).
Theo lý giải của NHNN, để nâng hạn mức chi trả bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng, các TCTD phải trả thêm phí bảo hiểm, như vậy sẽ tăng thêm gánh nặng cho TCTD, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, một chuyên gia ngành ngân hàng cũng cho rằng người dân không nên quá lo lắng ngân hàng bị phá sản, bởi đây chỉ là biện pháp cuối cùng khó có thể xảy ra, vì trước đó NHNN đã có những phương án phục hồi, sáp nhập hay hợp nhất, chuyển nhượng từng phần hoặc toàn phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc. Như vậy cũng đã đủ “thuốc đặc trị” xử lý ngân hàng yếu kém.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lấy ví dụ: Luật Các TCTD Việt Nam sửa đổi có hiệu lực từ tháng 11/2017 nhằm vào việc xử lý ngân hàng yếu kém nhưng đồng thời cũng đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phục hồi và thoát ra khỏi vòng yếu kém. Đơn cử như ba ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng trước khi Luật sửa đổi ban hành hiện đang nỗ lực phục hồi và khắc phục những hậu quả của quá khứ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng trên thế giới, phí BHTG tùy thuộc vào tính rủi ro của ngân hàng: những ngân hàng có tình hình tài chính tốt và ít rủi ro thì trả phí bảo hiểm ít hơn và ngược lại. Còn tại Việt Nam, các ngân hàng đều trả tỷ lệ phí trên huy động vốn như nhau, như vậy là không hợp lý.
Hoàng Hà