Huyện Vị Xuyên hiện có trên 18.200 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 261 chi, tổ hội. Đa phần hội viên làm nghề nông nên cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thế nhưng từ khi tham gia phong trào “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”, nhiều hội viên đã vươn lên làm chủ cuộc sống.
Nhiều tấm gương điển hình
Nhiều hội viên phụ nữ đã không quản khó khăn, nỗ lực làm giàu bằng nghề nuôi trồng những giống cây, con giống được coi là thế mạnh của từng địa phương.
Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan ở xã Đạo Đức vượt khó làm giàu với nghề chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chim cút thương phẩm, từ đây thu nhập của gia đình đã khá hơn trước rất nhiều, mặc dù trước đó chị cũng đã chăn nuôi gà và lợn thương phẩm.
Đàn chim cút của chị ban đầu chỉ có khoảng 1.000 con được mua từ trại giống Viện Chăn nuôi tại Hà Nội, với giá dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/con. Sau vài năm vừa bán cút thương phẩm, vừa nhân giống, gia đình chị đã có khoảng 10.000 con chim cút, 1.000 con gà và 1.000 con ngan đen.
Chăn nuôi chim cút và các con giống gia cầm khác cần đảm bảo vệ sinh để không bị nhiễm bệnh, nên chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng cách phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột và các dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, chị cho tiêm phòng vắc xin định kỳ, đảm bảo thức ăn, nước uống cho vật nuôi hàng ngày. Vì thế, đàn chim cút, đàn gia cầm của chị thường khoẻ mạnh, được xuất bán đều, chăn nuối 60 ngày có thể xuất chuồng. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị xuất bán từ 4.000 – 5.000 con chim cút thương phẩm, với giá bán lẻ 15.000 đồng/con. Từ đàn chim cút, gà và ngan, mỗi năm gia đình chị thu nhập 200 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống cũng như tích luỹ.
Một điển hình khác là chị Nguyễn Thị Hương, xã Đạo Đức cũng là một hội viên luôn trăn trở tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học.
Cơ duyên đến với chị Hương từ sau khi chị đăng ký tham gia lớp học nghề trồng nấm do Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức năm 2018. Kể từ đó, chị cùng gia đình đầu tư gần 100 triệu đồng, phát triển mô hình trồng nấm.
Sau 2 năm vừa học vừa làm, đến nay, gia đình chị đã có 2 nhà trồng nấm, mỗi nhà có diện tích từ 150 – 250 m2 với tổng số gần 11.000 bịch nấm, với các giống nấm Sò, nấm Linh chi và nấm Hoàng đế. Nghề nuôi nấm đã tạo việc làm cho 3-4 lao động địa phương, mỗi tháng gia đình chị xuất bán ra thị trường hơn 60 kg nấm tươi các loại. Nấm là cây có giá trị dinh dưỡng cao nên các sản phẩm chị bán ra đều được giá. Do đó, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình chị Hương thu nhập trên 200 triệu đồng.
![]() |
Phụ nữ huyện Vị Xuyên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế (Ảnh: báo Hà Giang) |
Triển khai nhiều nguồn vay
Bên cạnh các phong trào như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thì phong trào“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” tại huyện Vị Xuyên thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, phong trào đã được triển khai tới 24/24 cơ sở hội và đã có gần 10 nghìn cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện phong trào, đạt tỷ lệ trên 95%.
Từ các phong trào này đã nhân rộng nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đáng chú ý, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được các hội viên áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, cho thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm như mô hình trồng cam VietGAP; chăn nuôi lợn sinh sản; chăn nuôi tổng hợp và trồng chè Shan tuyết...
Bà Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên cho hay, để giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện giúp các hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, tổng số các nguồn vốn vay do Hội phụ nữ quản lý là 90.829 triệu đồng/84 tổ, hộ vay; số tiền gửi tiết kiệm qua ngân hàng 1.676 triệu đồng. Qua kiểm tra các cơ sở Hội phát triển kinh tế và 35 tổ tiết kiệm vay vốn cho thấy thực hiện đúng quy trình cho vay và quản lý tốt nguồn vốn vay, sử dụng đúng mục đích.
Nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển thuộc Chương trình CPRP đã giải ngân trên 338 triệu đồng/868 thành viên/76 nhóm. Huy động tiết kiệm và cho vay tại chi hội được 1,3 tỷ đồng, cho 462 chị em, hội viên vay vốn. Đồng thời, Hội tổ chức được 16 lớp dạy nghề với 423 hội viên, phụ nữ tham gia về các nghề như nuôi và phòng trị bệnh cho gà; nuôi giun quế; cắt may; chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng nấm; trồng cây dược liệu…
Để tiếp tục giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên xác định sẽ tích cực triển khai các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ, duy trì hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ. Điều này không chỉ giúp các chị em nâng cao thu nhập gia đình, thoát nghèo mà còn đóng góp vào chương trình giảm nghèo do Chính phủ triển khai.
Trang Minh