Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, việc hình thành các mô hình HTX chăn nuôi liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị là vấn đề quan tâm hàng đầu. Điều này sẽ hạn chế rủi ro và chia sẻ trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp (DN), cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiệu quả từ VietGAHP
Xuất phát từ yêu cầu khách quan trên, tỉnh Hà Tĩnh đang xây dựng các mô hình HTX chăn nuôi lợn tiên tiến, áp dụng các tiến bộ KH-KT, áp dụng quy chuẩn VietGAHP để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trên cơ sở các tiêu chí của quy trình VietGAHP, HTX Minh Lộc đã được lựa chọn tiên phong thí điểm mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, xây dựng mô hình theo hướng thành lập các tổ quản lý, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ thiết bị xây dựng mô hình.
Các giải pháp phát triển chăn nuôi lợn tại đây được áp dụng bao gồm nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý; nhóm giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi lợn; giải pháp về cơ chế chính sách và giải pháp về bảo vệ môi trường. Các giải pháp này mang tính ứng dụng cao trong triển khai xây dựng mô hình HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ths. Bùi Văn Công - chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô HTX theo quy trình VietGAHP nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của chuỗi giá trị sản phẩm lợn tại Hà Tĩnh", cho biết kết quả bước đầu áp dụng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP đã cho thấy hiệu quả đạt được là không hề nhỏ. Các hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi được hình thành và phát triển, đặc biệt là chăn nuôi theo hình thức liên kết với DN theo chuỗi giá trị.
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh cung cấp, tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 81 HTX chăn nuôi lợn, trong đó có 52 HTX tham gia liên kết tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
Các HTX chăn nuôi lợn có 38 HTX chăn nuôi quy mô lớn (500 con trở lên), 43 HTX chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Một số HTX điển hình như: HTX Hoàng Châu (Kỳ Anh): Quy mô 450 nái ngoại cấp bố mẹ, lợi nhuận trung bình đạt 1,2 tỷ đồng/năm; HTX Phú Sơn: Quy mô 450 nái ngoại cấp bố mẹ, lợi nhuận trung bình đạt 1.000 triệu đồng/năm; HTX thương binh 27/7 Thịnh Lộc: Quy mô 1.200 lợn thịt/lứa, lợi nhuận trung bình đạt 400 triệu đồng/năm...
![]() |
Mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP tại HTX Minh Lộc |
Cần nhân rộng mô hình
Đặc biệt, hiện nay có 18 HTX chăn nuôi lợn nái quy mô 300 con trở lên, với 152 tổ hợp tác (THT) liên kết quy mô nhỏ (20 - 80 con/hộ). 1.800 hộ tham gia THT, trong đó có 42 THT đã đưa giống vào sản xuất, kết quả bước đầu cho thu nhập khá từ 400 đến 800 ngàn đồng/con/lứa.
Nếu tính một hộ nuôi thông qua THT, mỗi lứa cho thu nhập 10 - 18 triệu đồng (20 - 30 con/ lứa) trong khi chỉ cần khoảng 1/4 lao động/ ngày, mỗi năm nuôi 3 lứa cho thu nhập 30 - 54 triệu đồng/ năm.
Khảo sát tình hình áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho thấy 75% HTX chưa áp dụng quy chuẩn VietGAHP, 25% HTX đang áp dụng chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP với thời gian áp dụng 1 - 3 năm, nhưng chưa bảo đảm các tiêu chí của mô hình VietGAHP.
Các hộ tại các HTX đang áp dụng theo hướng VietGAHP đều khẳng định áp dụng mô hình chăn nuôi lợn này ít bị bệnh và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Nhưng để áp dụng VietGAHP, các HTX còn gặp rất nhiều vướng mắc.
Được biết, trên địa bàn Hà Tĩnh có đến 1/3 HTX vẫn chăn nuôi trong khu dân cư hoặc không bảo đảm khoảng cách tối thiểu. Việc địa điểm, chuồng nuôi ngay tại khu dân cư đông người đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường nông thôn. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây khó khăn trong mở rộng quy mô chăn nuôi.
Mặt khác, một trong những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong chăn nuôi lợn là sử dụng máng ăn và vòi uống tự động vì nó góp phần tiết kiệm thức ăn, nước uống, lao động, hạn chế mầm bệnh, bảo đảm lượng nước và thức ăn đáp ứng nhu cầu của vật nuôi.
Tuy nhiên, tỷ lệ HTX chăn nuôi đầu tư lắp đặt hệ thống máng ăn và vòi uống nước tự động còn thấp (35%). Còn lại, máng ăn của các HTX chủ yếu được xây gắn với chuồng bằng xi măng, hoặc một số HTX sử dụng máng nhựa.
Dựa trên đánh giá hiện trạng tại 20 HTX chăn nuôi lợn theo quy chuẩn VietGAHP tỉnh Hà Tĩnh đã cho thấy chưa có HTX chăn nuôi lợn nào có chứng nhận VietGAHP, do chưa đạt được 14 nhóm tiêu chí đề ra.
25% số HTX đã thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường; 55% HTX bảo đảm yêu cầu về địa điểm theo quy chuẩn VietGAHP; 50% HTX có chuồng nuôi được thiết kế bảo đảm phù hợp với từng lứa tuổi của lợn và mục đích sản xuất.
Đánh giá về hiệu quả nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô HTX theo quy trình VietGAHP, PGs.Ts. Ngô Đình Bính - Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhận định mô hình HTX Minh Lộc đã góp phần nâng cao chất lượng chăn nuôi, nâng cao thu nhập, bảo đảm VSATTP, bảo vệ môi trường và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đó cho thấy tính khả thi, giá trị thực tiễn và triển vọng áp dụng nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Hà Xuyên