![]() |
Chanh leo của HTX đủ tiêu chuẩn xuất cho doanh nghiệp phục xuất khẩu (Ảnh: TL) |
Nếu như nhiều nơi trồng chanh leo khác đang gặp khó khăn về dịch bệnh, không có đầu ra thì tại HTX Thuận Châu lại khác. Mối liên kết “4 nhà” bền chặt đã hình thành nên chuỗi giá trị bền vững, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên HTX.
Mối liên kết bền chặt
HTX đã liên kết được với Công ty Nafoods Tây Bắc để hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Theo hợp đồng ký kết, người dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Đến mùa thu hoạch, chanh loại 1 được doanh nghiệp thu mua với giá 35.000 đồng/kg để phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thu mua chanh để chế biến. Khi thị trường mất giá, Nafoods vẫn hỗ trợ người dân thu mua với giá bảo hiểm là 5.000 đồng/kg.
Cán bộ kỹ thuật của Nafoods sẽ cùng những người đứng đầu HTX giám sát các vườn chanh hàng ngày. Khi thành viên thấy diện tích cây trồng có biểu hiện lạ thì lập tức thông báo và có cán bộ kỹ thuật của Công ty đến kiểm tra, xử lý. Chính vì vậy, chanh leo của HTX không bao giờ bị “dính” bệnh, loại bỏ mối lo lắng hàng đầu vì khi chanh leo mắc bệnh, không được xử lý kịp thời thì rất dễ lây lan và chết.
Theo tính toán, đầu tư ban đầu cho trồng chanh leo khoảng 100 triệu đồng/ha, nhưng ngay trong năm đầu tiên đã có thể thu hoạch quả. Với năng suất trung bình 40 tấn/ha và nếu bán với giá "sàn" 5.000 đồng/kg, người trồng có thể thu về 200 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chanh leo Thuận Châu, cho biết liên kết với doanh nghiệp giúp người dân được bảo đảm về mọi mặt nên ai cũng phấn khởi vì không phải tự bươn chải đi tìm mối tiêu thụ. Điều đặc biệt là người dân phải tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của doanh nghiệp, không được tự ý bán chanh cho thương lái nếu giá thị trường tăng cao, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng.
Bên cạnh đó, yêu cầu của doanh nghiệp khi thu hoạch cũng rất cao: Người dân phải đeo găng tay khi thu hái; quả phải được vận chuyển nhẹ nhàng để không bị trầy xước, móp méo; tỷ lệ quả phải đồng đều (khoảng 10 - 11 quả/kg) theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với vai trò dẫn dắt các thành viên và người dân, HTX Thuận Châu đã tích cực hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, thu hái, phân loại sản phẩm.
Vào vụ thu hoạch, tại địa phương vẫn có tình trạng thương lái vào lôi kéo người dân bán chanh leo với giá cao nhưng nhờ sự giám sát, nhắc nhở của HTX nên các hợp đồng đã ký kết vẫn không bị phá vỡ. “Việc người dân bán sản phẩm loại 1 cho tư thương, số còn lại mới bán cho doanh nghiệp không xảy ra suốt thời gian qua. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX làm ăn lâu dài với doanh nghiệp”, bà Bình cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc xuất bán cho doanh nghiệp, HTX Thuận Châu còn đầu tư máy móc sản xuất nước chanh leo cô đặc. Quả chanh leo được rửa sạch, hút phần dịch bên trong, sau đó trộn với đường, mật ong rồi đun sôi, cho thứ nước cốt đặc biệt thơm ngon.
HTX đã mang sản phẩm nước cốt chanh leo giới thiệu ở các hội chợ tại huyện, tỉnh và Thủ đô Hà Nội. Bước đầu, sản phẩm nước chanh leo cô đặc của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng chanh leo, bởi nếu sản xuất nước cốt chanh leo thành công và nhân rộng sẽ nâng cao giá trị của quả chanh leo cũng như thu nhập của người dân.
Nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường
Trước đây, người dân địa phương chỉ tập trung trồng ngô, sắn nhưng do những nông sản này bị mất mùa và xuống giá nên tình trạng bỏ hoang diện tích đất canh tác là chuyện không hiếm.
![]() |
Trồng chanh leo là cách phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hiệu quả (Ảnh: TL) |
Trước thực trạng này, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Thuận Châu đã tuyên truyền và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng chanh leo thông qua mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp.
Dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các thành viên HTX luôn chú trọng bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Thay vì dùng thuốc diệt cỏ, các thành viên còn trồng cỏ phủ kín mặt đất để giữ ẩm, tránh rửa trôi đất. Theo định kỳ, mọi người sẽ dùng máy cắt cỏ và để lại cỏ trên nền đất, cỏ sẽ là nguồn phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Bên cạnh đó, HTX cũng sử dụng các vỏ chai nhựa đục lỗ, cho băng phiến vào trong để xua đuổi côn trùng và tránh sâu bệnh gây hại canh leo.
Có thể thấy, việc người dân liên kết trồng chanh leo theo hướng bền vững chính là một trong những cách tốt nhất đem lại màu xanh cho núi đồi, giúp giảm lũ lụt, khô hạn. Cây chanh leo cũng đang mở ra hướng đi ổn định, khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác tại địa phương.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cùng với sự hỗ trợ của HTX, doanh nghiệp và sự cần cù của người nông dân, hy vọng những mùa chanh leo bội thu sẽ đem đến cuộc sống ấm no hơn cho người dân địa phương.
Huyền Trang