Hiện nay, HTX Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Vũ đang quản lý 57 ha đất nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ phần diện tích này được HTX cho thành viên thuê lại để nuôi trồng thủy sản. Mức thuê 8 - 11 triệu đồng/ha/năm.
Sản phẩm bán "chạy như tôm tươi"
Trong khi nhiều HTX nơm nớp lo cảnh sản phẩm làm ra "được mùa rớt giá" thì thành viên của HTX luôn phấn khởi vì bán sản phẩm được giá cao, đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 500 tạ tôm, cua, cá các loại. Kinh tế hộ của các thành viên trong HTX ngày càng no đủ, sung túc.
Bác Nguyễn Ngọc Kế - thành viên của HTX, chia sẻ: "Từ năm 2013, gia đình tôi đã ký hợp đồng thuê 5ha diện tích đầm nuôi tôm với HTX. Sản phẩm tôm thẻ chân trắng của gia đình nuôi đến đâu bán hết đến đó, giá thành lúc nào cũng cao hơn tôm nuôi của các vùng khác khoảng 20.000 đồng/kg. Kinh tế hộ gia đình nhờ vậy mà khá giả hơn trước".
Ông Trần Bá Phương - một trong những thành viên làm kinh tế giỏi của HTX, cho biết gia đình ông hiện thuê lại của HTX 10ha để nuôi trồng thủy sản các loại. Sản phẩm sản xuất ra lúc nào cũng tươi ngon, bảo đảm nên chẳng cần phải mang đi đâu xa, chỉ cần mang ra chợ đầu mối hải sản Nam Hải (cách khu vực nuôi chừng 3km) là các thương lái từ khắp mọi miền tranh nhau mua.
Khu vực đầm thuộc phường Tràng Cát có độ Ph phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản chất lượng. Nguồn nước ở đây không quá mặn cũng không quá ngọt khiến cho tôm, cua, cá nuôi từ khu vực này tròn vị, đậm đà, ngon ngọt, giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại nhưng nuôi trồng ở khu vực khác.
![]() |
Cán bộ HTX trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản với thành viên |
Gắn chất lượng với BVMT
Lý giải cho việc sản phẩm thủy sản của HTX bán "chạy như tôm tươi", ông Tạ Đình Kính - Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, khu vực này hoang vu lắm. Năm 1984, HTX được thành lập gồm những xã viên ra đây theo diện đi khai hoang, làm kinh tế, dần dần mở rộng diện tích. Để hoạt động nuôi trồng thủy sản hiệu quả, lâu dài, thành viên của HTX luôn bảo nhau phải giữ gìn bảo vệ nguồn nước. Nguồn nước cấp cho đầm nuôi mà bị ô nhiễm thì tôm, cua chết hết.
Trong quá trình chăn nuôi, các hộ kiên quyết không sử dụng thức ăn bị nhiễm nấm, mốc; không sử dụng các hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng bị cấm sử dụng.
Thành viên của HTX đang từng bước xây dựng thương hiệu: Thủy sản Tân Vũ. Để làm được điều này, mọi nhà đều chú trọng nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường. Thay vì nuôi theo kiểu công nghiệp: Hệ thống hồ nuôi xây dựng kiên cố, trải vải bạt, nhựa ni lon dưới đáy đầm, hệ thống đầm nuôi thủy sản của HTX hoàn toàn tự nhiên: Có thảm thực vật - cây cỏ mọc xung quanh bờ. Dưới đầm nuôi có nhiều bùn, vì thế thủy sản nuôi trong đầm ngoài nguồn thức ăn nhân tạo còn có nguồn thức ăn tự nhiên như vi sinh vật, tảo dưới nước... nên sản phẩm luôn được thương lái ưa chuộng.
Góp phần bảo vệ nguồn nước sạch trong nuôi trồng thủy sản, sau khi chuyển đổi tổ chức lại theo Luật HTX 2012, HTX đã đầu tư cải tạo lại hơn 1.000 m mương dẫn nước.
Bên cạnh 57 ha diện tích đầm nuôi trồng thủy sản, HTX còn quản lý 52 ha diện tích trồng lúa. Tuy nhiên do cấy lúa kém hiệu quả, hầu hết diện tích bị bỏ hoang. HTX đã chủ động xây dựng phương án chuyển đổi diện tích này sang nuôi trồng thủy sản - một vụ/năm. Bước đầu cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều so với việc trồng lúa. Hiện HTX đang trình cấp trên cho phép chuyển đổi phần diện tích còn lại sang nuôi trồng thủy sản góp phần sử dụng đất hiệu quả, phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn quận Hải An có 12 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, gồm các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và nuôi trồng thủy sản… HTX Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Vũ là một điển hình về mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả của quận.
Thanh Vân