Sáng ngày 6/9, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp" tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La.
Vùng Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới giáp với Lào, Trung Quốc, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh nổi trội về tài nguyên rừng, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.
Đổi thay từ Luật HTX 2012
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) của Liên minh HTX Việt Nam nhận định, từ sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, KTHT, HTX đã có có bước phát triển mới. Số lượng HTX, Tổ hợp tác (THT) thành lập mới và hiệu quả hoạt động tăng lên; các loại hình HTX phát triển đa dạng, năng lực tài chính và quản trị HTX được cải thiện.... Nhận thức của các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX được nâng lên.
Báo cáo tình hình phát triển KTHT, HTX vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 - 2018, định hướng phát triển giai đoạn 2018 - 2020 của Liên minh HTX Việt Nam ghi rõ, đến 30/6/2018, vùng Tây Bắc có 2.463 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, tăng 562 HTX so với năm 2013.
Trong đó có: 1.420 HTX nông lâm, ngư, diêm nghiệp, 352 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 240 HTX xây dựng, 72 quỹ tín dụng nhân dân, 225 HTX thương mại dịch vụ, 92 HTX vận tải, 13 HTX môi trường và 49 HTX trong lĩnh vực khác như y tế, chợ, trường học…
Hiện có 5 Liên hiệp HTX với tổng số 44 HTX thành viên. Các Liên hiệp HTX đều hoạt động hiệu quả, tích cực triển khai, tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tại địa phương.
Nhìn chung, mô hình KTHT, HTX trong vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn: nguồn lực yếu, chưa thu hút và phát huy hiệu quả các nguồn lực sẵn có của HTX, nhất là từ các thành viên; kinh phí hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như chưa có; việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa có sản phẩm chủ lực, chưa chú trọng bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Nhận định về khó khăn của KTHT, HTX vùng Tây Bắc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Nguyên nhân là do tổ chức, quản trị, hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; doanh thu, lợi nhuận của nhiều HTX, THT còn thấp, một số HTX, THT nông nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Đa số các HTX, THT chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, hoặc phụ thuộc vào thương lái; thu nhập của thành viên HTX còn thấp, lợi ích mang lại cho thành viên còn ít, nhiều thành viên chưa tin tưởng Hội đồng quản trị HTX. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và một số sở ngành trong xây dựng kinh tế hợp tác, HTX còn hạn chế", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.
![]() |
Vùng Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc |
Tháo gỡ điểm nghẽn
Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp" để quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTHT, HTX và chính sách cơ chế của Nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc; đánh giá thực trạng phát triển KTHT, HTX vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 - 2017.
Hội thảo cũng xác định tiềm năng, thế mạnh một cách toàn diện của các tỉnh Tây Bắc. Từ đó đề ra phương hướng, đường lối, chính sách tốt nhất để có thể phát huy được tối đa tiềm năng nội tại, huy động được nguồn lực từ thị trường trong nước và quốc tế để đưa KTHT, HTX tại các tỉnh phát triển nhanh hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch điều kiện sống so với các địa phương khác.
Liên minh HTX Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành Kế hoạch phát triển KTHT, HTX dành riêng cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 - 2025; ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, liên hiệp HTX biên giới phát triển bền vững, kết hợp với bảo vệ biên giới Tổ quốc, cho các HTX bảo vệ rừng bền vững vùng Tây Bắc và phát triển HTX, Liên hiệp HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển các HTX, Liên hiệp HTX.
Tuấn Minh