Đầu năm 2019, HTX Giảm nghèo Ea Súp, xã Ia Lốp ra đời với mục tiêu liên kết các nhóm sinh kế, xây dựng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh vùng biên, mở hướng thoát nghèo, xây dựng kinh tế cho người dân tại địa phương.
Phát huy vai trò của HTX
Để phát triển bền vững, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã liên kết với khoảng 20 nhóm nông hộ, phát triển nhiều mô hình trồng cây lương thực, cây ăn quả. Nhờ đó, nguồn cung ứng sản phẩm của HTX khá đa dạng và dồi dào.
![]() |
Công tác giảm nghèo tại Ea Súp có dấu ấn tích cực từ các HTX, tổ hợp tác (Ảnh: TL). |
Ngoài sản phẩm chính là lúa gạo, HTX còn cung ứng các sản phẩm tinh dầu, dê, bồ câu, heo rừng lai… với chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến người tiêu dùng.
Tháng 8/2019, HTX đã mở cửa hàng phân phối tại TP. Buôn Ma Thuột, tổ chức kinh doanh các mặt hàng do các nhóm hội viên sản xuất.
HTX cũng đã xây dựng 10 ha lúa đen canh tác hữu cơ, được cấp chứng nhận ISO và đã bước đầu tiếp cận phân khúc thị trường lúa gạo chất lượng cao với nhãn hiệu “Khẩu Xiên Lăm”.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp chia sẻ, bước đầu, HTX đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ khách hàng về các sản phẩm do bà con vùng biên sản xuất. Hiện, các sản phẩm từ lúa gạo của HTX đang được thị trường đón nhận tích cực, doanh số đạt 4 tấn/tháng.
HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân để tăng diện tích lúa hữu cơ trong các vụ kế tiếp, tập trung vào các giống chất lượng cao như: Khẩu Xiên Lăm, 5451, ST24…
Tương tự, nhận thấy việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ tháng 5/2018, 15 hộ trồng xoài chuyên canh ở thôn 10, xã Ea Bung đã liên kết sản xuất, thành lập HTX xoài Ea Súp với diện tích canh tác trên 25ha.
Tham gia vào HTX, các thành viên yên tâm và tin tưởng về đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cây.
Anh Phạm Ngọc Huy, thành viên HTX cho hay, trước đây làm theo kiểu nhà nào biết nhà nấy thì hiệu quả kinh tế không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá.
“Vào HTX, được hướng dẫn ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây của gia đình tôi luôn cho sản lượng 24 tấn trái, tăng hơn 15% so với trước khi vào HTX, với giá thu mua 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy giống xoài, gia đình tôi nguồn có thu nhập ổn định”, anh Huy phấn khởi cho hay.
Thúc đẩy xóa nghèo bền vững
Theo thống kê, toàn huyện Ea Súp hiện có trên 10 HTX hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, mở hướng thoát nghèo cho thành viên, nông dân liên kết.
Hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác cũng là một trong những nhân tố quan trọng đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
![]() |
Các mô hình giảm nghèo sẽ tiếp tục được huyện Ea Súp đẩy mạnh trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Kể từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt bình quân 7 - 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đời sống của người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh phát huy tốt vai trò của các HTX, huyện Ea Súp cũng đang triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững cho người dân. Đơn cử như Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Chị Trịnh Thị Nhung (thôn 14B, xã Ya Tờ Mốt) tham gia Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên từ năm 2016, phát triển mô hình nuôi bồ câu Pháp. Cùng với các thành viên trong nhóm, chị được tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn về kỹ thuật nuôi bồ câu và được cấp kinh phí mua 40 con giống để xây dựng mô hình.
Đến nay, chị Nhung đã phát triển mô hình lên 1.200 con bồ câu với diện tích chuồng trại khoảng 100 m2. Bình quân mỗi tháng, chị bán 50 con chim bồ câu non với giá 40.000 đồng/con... Thu nhập ổn định, đời sống của gia đình chị được cải thiện rõ rệt.
Những thành công hiện tại đang cho thấy các chính sách xóa đói, giảm nghèo của huyện Ea Súp đang đi đúng hướng. Trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX, đa dạng hóa các loại hình sinh kế, hướng tới việc cải thiện thu nhập bền vững cho các hộ dân.
Nhật Minh