Mạnh dạn áp dụng công nghệ
HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, huyện Xuân Trường được thành lập năm 2014 với 18 hộ thành viên, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX đã thu hút 30 thành viên tham gia, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 30ha gồm các sản phẩm chủ lực như: cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng.
Để hỗ trợ thêm cho HTX, năm 2019, từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Nam Định đã tạo điều kiện cho HTX Xuân Hòa vay vốn lãi suất ưu đãi với dư nợ gần 1,4 tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến, bảo quản sản phẩm cấp đông; tập huấn cho các thành viên HTX về khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Liên minh HTX Việt Nam cũng đã hỗ trợ HTX Xuân Hòa xây dựng mô hình điểm “HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị” với 5 hộ nuôi trên diện tích 8,1ha.
![]() |
Nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mang lại giá trị cao hơn nuôi truyền thống (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Nam Định, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản từ các nguyên liệu tỏi ủ lên men, bột tôm, bột cá, đậu tương, ngô... đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bình quân hàng tháng, toàn HTX giảm được trên 200 triệu đồng chi phí thức ăn nuôi thủy sản.
HTX còn chủ động kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX được sản xuất theo liên kết chuỗi; trong đó tất cả các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt. Quá trình nuôi áp dụng cho ăn giảm đạm, tăng chất xơ, tạo chất lượng thịt chắc và thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện, HTX đang thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cá lăng cắt khúc để đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch.
“Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất. Năm 2019, tổng doanh thu HTX đạt 28 tỷ đồng. Trung bình mỗi ha nuôi trồng của thành viên đạt 180 - 200 triệu đồng”, ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết thêm.
Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại
Tháng 8/2018, HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, mua bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, các thành viên HTX đã đóng góp tài sản, sức lực, phát huy nội lực, tiềm năng của từng thành viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật, đảm bảo kế hoạch sản xuất ổn định, tạo ra khối lượng sản phẩm tập trung có giá trị hàng hóa cao, tăng hiệu quả trong sản xuất. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho các thành viên có tích lũy, làm giàu, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động của 2 xã Hải Chính, Hải Lý và các xã lân cận…
![]() |
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi thuỷ sản của các HTX ở Nam Định giúp tăng năng suất và chất lượng (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho biết, nhiều HTX nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản trong tỉnh thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và lao động tại địa phương như: HTX nuôi trồng thủy sản Giao Hà (Giao Thủy); HTX nuôi trồng thủy sản Nam Hồng (xã Hải Nam); HTX Tiến Đạt (xã Hải Triều); HTX đánh cá Trường Phát (xã Hải Xuân)...
Để giúp các HTX nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, tỉnh Nam Định đã có các chính sách khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX giải quyết bài toán về quỹ đất nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ HTX tham gia các chương trình hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu sản phẩm và kết nối liên kết sản xuất, kinh doanh giữa HTX với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều HTX sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, cơ sở vật chất, công nghệ sản xuất hiện đại, tiềm lực tài chính mạnh, đủ khả năng mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…
“Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX nói chung, HTX nuôi trồng thủy sản nói riêng; hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện các loại hình HTX trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp; từng bước ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX, đảm bảo HTX phát triển bền vững và có đủ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết.
Hoài Nam