Kể từ vụ Đông năm 2019, thực hiện Quyết định số 705/QĐ-UBND ngày 13/6/2019 về việc phân bổ kinh phí thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh năm 2019, Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và thực hiện dự án “Phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap” với đối tượng cây trồng là cây bí xanh.
Lợi ích kép cho người trồng bí xanh
Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ để người dân sản xuất theo quy trình VietGap, đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm bí xanh. HTX Đông Mai được Dự án được triển khai với quy mô 5 ha với kinh phí hỗ trợ gồm 50% chi phí mua giống và 50% chi phí đánh giá chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Qua quá trình triển khai đã được các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ hướng dẫn, tổ chức sản xuất theo đúng quy trình, đến nay đã được chứng nhận sản phẩm bí xanh đạt tiêu chuẩn VietGap với quy mô 5 ha và sản lượng 140 tấn/năm.
![]() |
Vườn bí xanh của HTX Đông Mai sai trĩu quả thu hút sự quan tâm của người dân (Ảnh: TL) |
Cầm trên tay Giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm bí xanh của HTX, ông Đoàn Văn Quốc Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đông Mai hồ hởi cho biết: “Bí xanh trong vụ Đông là một sản phẩm thế mạnh của HTX, tuy nhiên do còn một số hạn chế trong tổ chức sản xuất nhất là việc tiêu thụ nên chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế. Một số đơn vị khi đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm thường yêu cầu phải có chứng nhận.
"Đây sẽ là điều kiện để HTX sản xuất sản phẩm bí xanh đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tiêu thụ, từ đó giúp bí xanh có điều kiện tham gia vào thị trường các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, là cơ sở để nâng cao giá trị, lợi nhuận cho bà con nông dân”, ông Quốc nói.
Cũng theo ông Đoàn Văn Quốc, thông qua dự án cái được không chỉ là Giấy chứng nhận mà còn là sự chuyển biến của người sản xuất trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo quy trình an toàn, có ghi chép, theo dõi sản xuất. Người nông dân đã biết cách tổ chức sản xuất, thực hành thao tác các công việc không những chỉ đảm an toàn cho sản phẩm mà còn là đảm bảo an toàn lao động cho chính mình. Thời điểm này ngoài cánh đồng sản xuất 5 ha vừa được cấp chứng nhận, người nông dân đang tập trung thu hoạch những lứa quả cuối, ai đấy cũng cảm thấy hồ hởi, phấn khởi.
"Sát cánh" cùng người dân trong sản xuất
Đến nay, HTX Đông Mai đã lựa chọn được một số cây trồng phù hợp cho từng đối tượng. Với các gia đình không có lao động thì bí xanh bò, những gia đình có lao động nhưng không có trình độ thâm canh thì trồng cây bí giàn, cây rau. Còn bộ phận có lao động, có tiềm năng, có kỹ thuật có thể trồng cây cà chua, dưa chuột... Nhìn chung, cơ cấu cây trồng của HTX rất đa dạng. Thu nhập từ các cây trồng rất cao, nhiều xã viên đã thu về tới 40-50 triệu đồng/1 vụ, thậm chí có hộ thu nhập tới 100 triệu đồng trong 1 vụ đông vừa qua nên hầu hết nông dân đều rất hào hứng sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hoan một hộ nông dân tham gia dự án cho biết, ban đầu khi tiếp nhận thực hiện chúng tôi khá bỡ ngỡ, các kỹ thuật thì gần như trước đây mình cũng đã thực hiện được rồi nhưng việc ghi chép nhật ký sản xuất, tổ chức triển khai đồng trà, đồng vụ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có kiểm soát, đảm bảo an toàn trong lao động là điều khá mới mẻ với bà con. Tuy nhiên khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thì công việc cũng không quá khó để thực hiện.
Vụ bí xanh vừa qua, tuy chưa phải là được mùa nhất những bù lại giá bán lại ở mức cao hơn năm trước từ 20 -30% nên bà con rất phấn khởi. Với một sào trồng bí xanh sau khi trừ hết chi phí cũng thu được 3 – 3,5 triệu đồng, cao gấp mấy lần trồng lúa”.
![]() |
Bí xanh của HTX Đông Mai cho năng suất cao (Ảnh: TL) |
Theo ông Phạm Văn Trung – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, thực hiện dự án này, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho bà con từ khâu chọn, ngâm ủ hạt giống, làm đất, gieo trồng đến bón phân, phòng trừ sâu bệnh sao cho an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn mời một đơn vị độc lập để kiểm tra, giám sát, đánh giá và cấp chứng nhận VietGap cho sản phẩm bí xanh của dự án. Mô hình thành công sẽ là cơ sở nhân rộng cho nhân dân trong vùng, mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân.
Hiện nay nhu cầu của thị trường về các mặt hàng nông sản an toàn, nhất là các sản phẩm có chứng nhận là rất lớn. Từ kết quả của dự án này, nên chăng các địa phương cần mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông sản an toàn được chứng nhận. Đồng thời với việc mở rộng các vùng sản xuất được chứng nhận theo VietGap cần tổ chức sản xuất để hướng đến các tiêu chuẩn tốt hơn như sản xuất theo hướng hữu cơ, và sản xuất hữu cơ được chứng nhận.
Rõ ràng, tổ chức sản xuất tập trung theo các tiêu chuẩn để được chứng nhận là định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tế hiện nay và cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Ninh Bình theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiên tiến trong giai đoạn hiện nay.
Vũ Hùng