Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình sản xuất và mở rộng đầu ra thông qua HTX đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại các địa phương.
Trong cuộc trao đổi cùng VnBusiness bên lề Diễn đàn HTX quốc gia 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững", ông Thịnh đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về vai trò “nòng cốt” của HTX trong tiến trình chuyển đổi xanh hiện nay.
![]() |
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). |
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh trong nông nghiệp?
Hiện nay, cả nước có khoảng 22.500 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động. Dù khu vực kinh tế tập thể, trong đó có HTX nông nghiệp, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế đã chứng minh rằng nếu không có HTX và không có kinh tế tập thể, chúng ta khó có thể đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nông nghiệp như thời gian qua. Đây chính là những minh chứng rõ ràng để khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế HTX trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh những HTX còn hạn chế về năng lực hoạt động, thời gian gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều HTX chủ động đổi mới, vươn lên mạnh mẽ. Chẳng hạn, hiện đã có khoảng 400 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trực thuộc, giúp đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Đáng chú ý, khoảng 2.600 HTX đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và gần 5.000 HTX đã bắt đầu sử dụng phần mềm quản lý, như phần mềm kế toán hay phần mềm truy xuất nguồn gốc. Việc này không chỉ giúp minh bạch hóa quản trị mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.
Ngoài ra, khoảng 4.500 HTX trước đây chỉ hoạt động ở khâu cung cấp đầu vào thì nay đã tham gia cả khâu đầu ra – tiêu thụ sản phẩm. Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều sản phẩm bày bán tại siêu thị và các kênh phân phối hiện nay là sản phẩm của các HTX, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Trong hơn 15.000 sản phẩm OCOP hiện có, thì hơn 38% do các HTX làm chủ thể.
Từ những con số này cho thấy, khu vực HTX đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp – với mức tăng trên 3% và đang hướng đến mục tiêu 4%. Muốn đạt được các mục tiêu lớn như đảm bảo an toàn thực phẩm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa giá trị, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chuyển đổi xanh – như chủ đề của Diễn đàn HTX Quốc gia 2025 “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” – thì vai trò của HTX trong nông nghiệp là không thể thay thế.
Chính vì vậy, từ năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông có thể đưa ra một số dẫn chứng cụ thể về vai trò của hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả tại các địa phương thời gian qua?
Có thể khẳng định, vai trò của các HTX trong nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Khi nói đến đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chắc chắn có sự tham gia của cả doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chỉ đầu tư khi thấy có lợi nhuận rõ ràng, trong khi HTX lại đóng vai trò là “cầu nối” thiết yếu giúp nông dân tham gia thị trường một cách bền vững và hiệu quả hơn.
Nếu chỉ có doanh nghiệp và nông dân mà thiếu HTX, rất dễ xảy ra tình trạng lệch pha lợi ích. Một mặt, doanh nghiệp phải gánh chi phí kết nối cao, khó đảm bảo lợi nhuận lâu dài; mặt khác, nông dân dễ bị lép vế trong đàm phán và chia sẻ giá trị. HTX chính là mắc xích trung gian, tạo ra mối liên kết bền vững giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, và đây là điều kiện tiên quyết để phát triển nông nghiệp xanh.
![]() |
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo, trong đó HTX đóng vai trò quan trọng. |
Thực tế cho thấy, phát triển HTX đồng nghĩa với phát triển tiềm lực địa phương. Vì chính HTX là lực lượng hiểu rõ nhất thế mạnh của vùng, từ đó tổ chức sản xuất gắn với đặc điểm địa phương và gắn kết các thành viên để cùng khai thác hiệu quả.
Một minh chứng rõ ràng là trong quá trình triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn, mang tính cách mạng trong sản xuất nông nghiệp xanh và vai trò của HTX ở đây là rất nổi bật.
Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngại vì thay đổi thói quen canh tác của nông dân không phải điều dễ dàng. Ví dụ, tại miền Bắc chỉ cần dưới 50kg giống lúa/ha, nhưng tại ĐBSCL, nông dân thường gieo tới 120kg/ha để hạn chế cỏ mọc. Họ cũng sử dụng lượng lớn phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có trà lúa chỉ 3 tháng mà phun thuốc tới 9 lần...
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi các HTX vào cuộc. Riêng tỉnh Kiên Giang đã có tới 259 HTX nông nghiệp tham gia thực hiện Đề án. Các HTX không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn huấn luyện, hỗ trợ thay đổi tư duy cho người nông dân. Nhờ đó, giống lúa đã giảm còn 80kg, thậm chí 60kg/ha; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm còn 4 lần; tiết kiệm 40% nước tưới; chi phí sản xuất giảm 20%. HTX cũng đóng vai trò chủ lực trong việc bao tiêu lúa gạo và sắp tới là tận dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp để tạo thêm giá trị.
Đây không chỉ là thành quả trong nước, mà còn được ghi nhận như một cuộc cách mạng sản xuất lúa gạo có tầm vóc toàn cầu. Báo cáo sơ kết Đề án gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh rằng chưa có quốc gia nào dám cam kết vừa sản xuất lúa vừa giảm phát thải mà vẫn nâng cao được thương hiệu và chất lượng sản phẩm như Việt Nam.
Từ câu chuyện này có thể thấy rõ tinh thần hợp tác xã là một xu thế. Nông nghiệp xanh cũng là xu thế. Nhưng để hiện thực hóa được điều đó, chúng ta không thể thiếu liên kết – trong đó HTX là lực lượng nòng cốt, không thể thay thế.
Vậy, theo ông, đâu là những điểm hạn chế mà các HTX cần khắc phục trong thời gian tới?
Bản thân tôi là người làm công tác quản lý trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, nên tôi nhìn nhận vấn đề này với một góc nhìn thực tế và khách quan.
Trong hàng nghìn HTX, đương nhiên vẫn có những HTX yếu – điều đó không thể tránh được, bởi trong khu vực kinh tế tập thể thông thường sẽ có 2 phương thức phát triển.
Ở các nước phát triển như châu Âu, HTX được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm, với nền tảng vững chắc cả về luật pháp, tổ chức lẫn nhận thức xã hội. Trong khi đó, HTX của chúng ta mới chỉ thực sự được chuyển đổi và phát triển theo đúng tinh thần của Liên minh HTX quốc tế kể từ năm 2012, tức là mới có hơn 10 năm vận hành theo mô hình hiện đại, dựa trên 7 nguyên tắc của HTX.
Như vậy, chỉ với hơn 10 năm phát triển khu vực kinh tế tập thể, chưa kể một khoảng thời gian “độ trễ” chuyển đổi. Tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay chúng ta đã có 23.500 HTX (trong đó có khoảng 1.500 HTX đang ngừng hoạt động). Sau mỗi năm trung bình khu vực kinh tế tập thể HTX tăng khoảng 1.500 HTX, kéo theo đó là hàng vạn hộ nông dân tham gia.
Đương nhiên, nếu HTX phát triển sẽ đủ sức hút các thành viên tham gia. Ngược lại, nếu HTX yếu kém, hoạt động không hiệu quả thì không thể đủ sức tồn tại và các thành viên cũng không tham gia.
Câu chuyện HTX giống như các DN, cũng hoạt động như vậy thôi, nếu yếu kém và không hiệu quả sẽ buộc anh phải rời bỏ thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hương thực hiện