Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết cơ quan này đang quyết liệt xử lý các tồn đọng trong kinh doanh, thoái vốn ở Habeco (mã: BHN), then chốt trong đó là vấn đề nhân sự.
Thế rồi tại ĐHĐCĐ 2018, Habeco đã “thay máu” toàn bộ dàn lãnh đạo, giảm số lượng thành viên HĐQT xuống còn 3 người.
Theo đó, ông Trần Đình Thanh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Ngô Quế Lâm được bầu làm Tổng Giám đốc, ông Stefano Clini (đại diện cổ đông Carlberg) được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.
Áp lực trong thoái vốn
Ngày 18/12/2017, phiên đấu giá 53,59% cổ phần, tương đương 346,642 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) đã thành công đúng dự kiến.
Trong đó, nhà đầu tư trúng giá là công ty TNHH Vietnam Beverage và một cá nhân. Mức giá đặt mua thành công bình quân là 320.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phần bán được là gần 110.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).
Đây là mức giá đấu tối thiểu mà phía Nhà nước đưa ra. Mức giá tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp và tiềm năng của thị trường.
Thành công của “người anh em” Sabeco đã đặt áp lực đáng kể lên Habeco – doanh nghiệp sản xuất và có hệ thống phân phối bia quy mô “top” đầu Việt Nam.
Lên sàn UPCoM từ cuối năm 2016 với giá tham chiếu 39.000 đồng/ cp, cổ phiếu BHN của Habeco nổi lên như một hiện tượng khi tăng trần liên tiếp, có lúc thị giá lên tới 140.000 đồng/cp.
Sau khi chuyển sàn vào cuối năm 2017, niêm yết trên HoSE với kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, thị giá BHN đã giảm mạnh từ mức chào sàn 127.600 đồng/cp xuống còn 97.000 đồng/cp như hiện tại (phiên giao dịch 28/6/2018).
Tuy là doanh nghiệp lớn, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHN không nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, thanh khoản trung bình trong 10 phiên gần nhất chỉ đạt hơn 700 cổ phiếu được khớp lệnh.
Trong khi đó, thanh khoản của cổ phiếu SAB luôn duy trì ở mức vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh trong mỗi phiên.
Đáng chú ý, giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường được coi là mức tham chiếu, tham khảo để đưa ra mức giá khởi điểm bán vốn. Tại thời điểm bán vốn, giá cổ phiếu SAB đã có mức tăng trưởng mạnh, đã có lúc thị giá cổ phiếu này đạt 340.000 đồng/cp.
Với Habeco, ở mức giá 97.000 đồng/cp như hiện tại, kỳ vọng đuổi kịp Sabeco trong thoái vốn là khó khăn. Đã thế, thanh khoản thấp cũng khiến các nhà đầu tư “e dè”, do dễ bị đầu cơ giá.
![]() |
Habeco phải chống chọi với việc sản lượng và doanh thu liên tục sụt giảm từ năm ngoái đến nay |
“Hụt hơi” trên thị trường truyền thống
Vướng mắc trong đàm phán với Carlsberg cũng là một rào cản đối với Habeco, bởi Carlberg là cổ đông chiến lược và theo thỏa thuận thì Nhà nước phải “hiệp thương” được với Carlsberg trong thoái vốn liên quan tới Habeco. Do đó, Habeco sẽ bị hạn chế trong việc lựa chọn đối tác tiềm năng.
Đã thế, cổ phiếu BHN càng thiếu hấp dẫn khi cơ cấu cổ đông của Habeco khá cô đặc, Nhà nước sở hữu 81,79% cổ phần, Carlsberg nắm 17,23%, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98%.
Bia Hà Nội là một thương hiệu lớn, lâu đời, có chỗ đứng trên thị trường miền Bắc, nhưng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại ngày càng đi xuống. Rõ nhất là Habeco đã đánh mất thị phần tiêu thụ bia thứ hai vào tay Heineken, hiện chỉ còn nắm khoảng 15% thị phần bia cả nước (giảm gần 3% so với giai đoạn 2015-2016).
Năm 2017, sản lượng tiêu thụ của Habeco đạt 481,9 triệu lít, giảm 8,5% so với năm 2016, trong khi tổng sản lượng tiêu thụ bia toàn ngành đạt hơn 4 tỷ lít, tăng 6%.
Doanh thu thuần năm 2017 của Habeco đạt 9.802 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 2.568 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 658 tỷ đồng, các chỉ tiêu này đều giảm so với năm 2016 và không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017.
Sự sụt giảm doanh số phần nào cho thấy Bia Hà Nội đang có dấu hiệu mất thị phần ngay cả trong thị trường truyền thống phía Bắc.
Tại ĐHĐCĐ 2018, Chủ tịch Trần Đình Thanh cho biết từ năm 2018 về sau, Habeco sẽ tích cực cải thiện thị trường, thuê tư vấn đánh giá lại chức năng của các phòng ban, hoàn thiện quy chế mới nhằm kích thích người lao động khai thác thị trường.
Cũng theo ông Thanh, Phòng Thị trường của Tổng công ty vừa phải bán hàng, vừa phải phát triển thương hiệu, lại phải cùng các công ty con lập phương án phát triển lại thị phần tại các địa phương.
Đồng thời, với chiến lược phát triển sản phẩm mới dung tích 330ml thay thế chai 450ml, năm 2018, Habeco mạnh dạn đặt mục tiêu bán được 493,5 triệu lít bia và 3,7 triệu lít nước đóng chai, mang về khoản doanh thu 8.895 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 811,4 tỷ đồng, tăng 23%; tỷ lệ cổ tức dự kiến 20%.
Không rõ với mục tiêu kinh doanh này, Habeco sẽ thực hiện được đến đâu, nhưng thị trường bia đang cạnh tranh khốc liệt, không quá béo bở để các nhà đầu tư chấp nhận mua bằng mọi giá, việc đưa ra mức giá cao có thể khiến nhà đầu tư e ngại, dẫn đến bán vốn không thành công.
Linh Đan