Cụ thể, giữa tuần qua, chủ đầu tư Vicem và liên danh nhà thầu Phục Hưng Holdings, TID đã tái khởi động dự án tòa nhà Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem tại lô 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Phạm Hùng với gói thầu số 23. Đây là gói thầu lắp dựng hệ thống facade (mặt ngoài) tòa nhà.
Theo kế hoạch, Vicem phấn đấu hoàn thành tòa nhà vào quý II/2026, phục vụ nhu cầu về chỗ làm việc cho tổng công ty. Bên cạnh đó, một phần công trình có thể được cho thuê để tối ưu công năng, cũng như đem lại nguồn thu để duy trì hoạt động, bảo trì tòa nhà.
![]() |
Dự án nằm trơ khung trên đất vàng Hà Nội gây lãng phí lớn. |
Dự án tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại Vicem (Vicem Tower) được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) năm 2010.
Dự án được xây dựng trên khu đất gần 8.500m2 tại lô 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), nằm sát vành đai 3, gần tòa tháp Keangnam. Tòa tháp có quy mô 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.951 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng.
Dự án được khởi công vào tháng 5/2011, đến tháng 8/2015 đã hoàn thành phần thô công trình. Tuy nhiên, cũng từ đó, dự án bị “đắp chiếu” bỏ hoang, nằm trơ khung.
Theo tìm hiểu, tháng 6/2015, khu đất trên đã được Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho phép Vicem được giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng để thực hiện dự án.
Sau đó, Vicem đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho phép Tổng công ty lập phương án, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng dự án để hoàn vốn đầu tư. Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng dự án vào tháng 3/2017.
Năm 2018, Vicem từng báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương chuyển nhượng dự án để thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện sau nhiều năm do nhiều vướng mắc về luật đầu tư, đất đai hay việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Đến giữa năm 2023, tổng công ty đã xin hồi sinh để khai thác tòa tháp bỏ hoang này. Sau đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem tiếp tục hoàn thiện công trình.
Vicem đang kinh doanh ra sao?
Tòa tháp nghìn tỷ nằm trơ khung trên đất vàng Hà Nội được khởi động lại đang gây nhiều chú ý. Không ít sự quan tâm đổ dồn về phía “ông lớn” ngành xi măng Vicem.
Vicem là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, có tuổi đời 45 năm. Tính đến đầu năm 2025, công ty quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai...
![]() |
2 năm qua, Vicem gặp nhiều khó khăn vì thị trường tiêu thụ giảm sút. Cụ thể, trong dự thảo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng, Vicem có năm thứ hai liên tiếp lỗ, khi lợi nhuận hợp nhất năm 2024 âm 1.400 tỷ đồng.
Vicem cũng là đơn vị hiếm hoi trong các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng kinh doanh thua lỗ trong năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận công ty mẹ của Vicem âm 236,8 tỷ đồng và lỗ hợp nhất 1.400 tỷ do thị trường kém khả quan. Dù kết quả này vẫn lần lượt thấp hơn kế hoạch của Vicem 59,6 tỷ và 177,5 tỷ đồng.
Năm 2024 là năm lỗ thứ hai liên tiếp của ông lớn ngành xi măng Việt Nam. Năm 2023, Vicem lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 1.129 tỷ đồng do nhu cầu giảm mạnh kể từ khi công bố thông tin năm 2016. Đến hết năm 2023, công ty lỗ luỹ kế khoảng 2.240 tỷ.
Vào cuối năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính cũng công bố kết luận thanh tra Vicem, trong đó chỉ ra nhiều khoản đầu tư của tổng công ty này vào một số doanh nghiệp con tiềm ẩn nguy cơ mất vốn khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng. Cơ quan này yêu cầu Vicem rà soát, đánh giá các khoản tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.
Thời gian qua, Vicem đã rà soát, thu thập, phân tích thông tin để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng năm 2025 đảm bảo tính khả thi, tích cực.
Tuy nhiên, năm 2025 còn nhiều khó khăn và khó đoán định nên Tổng Công ty VICEM đưa ra dự kiến sơ bộ: Sản lượng sản xuất clinker khoảng 17,87 triệu tấn, tăng 12,1% so với năm 2024. Sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 25,58 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm trước, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 19,7 triệu tấn.
Năm 2025, Vicem dự kiến doanh thu đạt khoảng 29.413 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2024. Vicem cũng tiếp tục tập trung các nhóm lĩnh vực chủ yếu như nhóm dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; nhóm dự án đầu tư chiều sâu, cải tạo tăng năng lực sản xuất, giảm tiêu hao, giảm phát thải, tăng cường năng lực sử dụng phế phẩm các ngành công nghiệp khác; nhóm dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải phát điện…
Liên quan tới dự án Vicem Tower, nhiều cựu lãnh đạo của Vicem bị khởi tố. Ngày 5/3/2025, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Lê Văn Chung về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng tội danh trên, Nguyễn Ngọc Anh - nguyên Tổng giám đốc; Dư Ngọc Long - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án và Hoàng Ngọc Hiếu - nguyên Trưởng phòng Thẩm định Vcem, cũng bị khởi tố. Theo Bộ Công an, các quyết định tố tụng nêu trên là kết quả điều tra ban đầu những sai phạm xảy ra trong quá trình lập hồ sơ, thực hiện dự án tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại Vicem (lô 10E6, Khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội) của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (trực thuộc Bộ Xây dựng). Cơ quan điều tra cho biết, dự án này được đầu tư 1.245 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án đã có nhiều sai phạm gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. |
Bình Minh