Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Bộ GTVT không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt 66 danh mục dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP.
Qua kiểm tra 49/75 dự án được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt; 56/75 dự án là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách nhà nước đầu tư từ trước (hơn 2.500 km) và chỉ có 19/75 dự án đầu tư mới (626 km), thấp hơn nhiều so với mục tiêu (đầu tư mới 2.629 km); bổ sung 15 hạng mục của 8 dự án 17.483 tỷ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh; 74/75 dự án đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Giảm thời gian thu phí 120 năm
Bộ GTVT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư của dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên, dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên – Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hoá.
KTNN cũng cho hay, qua kiểm toán chi tiết 40 dự án (38 dự án của Bộ GTVT, 2 dự án của địa phương) cho thấy đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn, lập phương án tài chính còn thiếu sót. Tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn (11-13%).
KTNN cũng chỉ rõ, vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, cụ thể: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên; Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hoà Cầm – Hoà Phước, Tứ Câu – Vĩnh Điện; dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Đông Hà – Tp. Quảng Trị…
Bên cạnh đó, KTNN còn chỉ ra 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng….
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng (năm 2016 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án).
Trước công tác đấu thầu không minh bạch này, KTNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án PPP được chỉ định thầu thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành theo Thông tư 55/2016.
![]() |
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì |
Minh bạch hoá đầu tư PPP
Ngày 4/5/2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 63/2018 quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Trong đó, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP (bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công).
Một bước tiến mới là thủ tục thực hiện dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.
Nghị định cũng mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ…_
Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án PPP cũng quy định mở hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng cũng như thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia dự án PPP.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Nghị định 63 đã rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư với nhiều thủ tục được đơn giản hóa, trong đó có việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, để khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung thông tin được công khai.
Ngoài ra, Nghị định 63 cũng quy định rất rõ tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP; trong đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.
Đơn cử như đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư.
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu…
Minh Sơn