Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/3, cổ phiếu YEG tiếp tục giảm kịch biên độ (7%) xuống mức 183.400 đồng/cp. Tương tự như 3 phiên giảm sàn trước đó, cổ phiếu này vẫn trong tình trạng trắng bên mua trong khi dư bán sàn lên tới hàng trăm nghìn đơn vị.
Chỉ trong vài ngày sau khi sự cố với YouTube được phát đi, cổ phiếu YEG đã giảm 28%, vốn hóa doanh nghiệp cũng "bốc hơi" 1.928 tỷ đồng.
Cứu giá bất thành
Trước khi có những phiên giảm sàn liên tiếp này, cổ phiếu YEG giao dịch ổn định tại vùng giá 240.000 đồng/cp trong khoảng thời gian khá lâu. Lần gần nhất, YEG có chuỗi giảm sàn liên tiếp đã diễn ra từ tháng 7/2018.
Nguyên nhân nhiều phiên "nằm sàn" nói trên là do ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin bị YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) với 3 công ty có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 từ ngày 31/3, gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Nguyên nhân của việc chấm dứt hợp đồng này là do YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Ngay lập tức có những thông tin phản hồi chính thức về vụ việc tới cổ đông và khẳng định mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế trong năm 2018 cho Yeah1 nhưng vẫn không ngăn được đà giảm của YEG.
Giữa "tâm bão", hai lãnh đạo của Tập đoàn là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT và ông Võ Thái Phong – Phó Tổng Giám đốc tài chính, đã ngay lập tức đăng ký mua vào cổ phiếu như một hành động cứu giá.
Cụ thể, ông Tống đăng ký mua 100.000 cổ phiếu YEG nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ theo phương thức giao dịch qua sàn, thời gian dự kiến từ 8/3 đến 7/4. Cũng trong khoảng thời gian trên và cùng mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ, ông Phong đăng ký mua vào 50.000 cổ phiếu.
Thông thường những thông tin liên quan đến giao dịch mua vào của ban lãnh đạo doanh nghiệp thường sẽ mang lại những tín hiệu tốt cho giá cổ phiếu, bởi đây là hành động thể hiện khẳng định về tương lai của cổ phiếu.
Tuy nhiên, lượng mua vào của các lãnh đạo Yeah1 đã không thể thay đổi được tình thế bởi YEG vẫn tiếp tục giảm sàn dù thông tin được phát đi từ ngày 5/3, ngay sau phiên giảm sàn đầu tiên (4/3), thể hiện sự không lạc quan với cổ phiếu này của giới đầu tư.
Trên thực tế, sự thiếu kỳ vọng dẫn đến đà bán tháo của cổ phiếu YEG của giới đầu tư đến từ việc gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh kiếm tiền của Yeah1 đang quá phụ thuộc vào YouTube.
![]() |
Diễn biến giá cổ phiếu YEG từ khi niêm yết |
Tìm về giá trị thực
Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Yeah1, gần 90% lợi nhuận của công ty đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube, trong khi Yeah1 công bố YouTube AdSense chỉ đóng góp 13%.
Sự hồi phục của YEG có thể sẽ khó khăn dù trong thông báo mới nhất của Yeah1 cho biết ban lãnh đạo công ty đang tập trung đàm phán với YouTube và dự kiến sẽ cập nhật kết quả muộn nhất đến ngày 11/3.
Theo một số nhà quan sát, khả năng Yeah1 có thể khôi phục lại thỏa thuận lưu trữ nội dung với YouTube khó xảy ra trong tương lai gần, bởi đây có thể là động thái "răn đe" chứng minh sự nghiêm khắc của Google đối với những kênh cố tình vi phạm.
Cũng theo chia sẻ từ Yeah1, trong năm 2019, công ty dự kiến sẽ giảm phụ thuộc vào YouTube mà chuyển sang nền tảng Google (trừ YouTube). Tuy nhiên, hiện các nền tảng này đều của công ty khác chứ Yeah1 không có.
Việc ra tay cứu giá nhưng có vẻ không mấy thành công cũng có thể đến từ việc ban lãnh đạo này đã không còn uy tín đối với giới đầu tư.
Các nhà đầu tư hẳn vẫn còn nhớ tại thời điểm mới lên sàn, với mức giá hơn 300.000 đồng/cp, YEG đã vượt mặt nhiều "ông lớn" như VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), SAB (Sabeco)… cả về vốn hóa lẫn chỉ số P/E. Trong khi đó, vốn điều lệ của Yeah1 thậm chí còn chưa bằng được số lẻ vốn điều lệ của Vinamilk .
Điều này khiến giới đầu tư nghi ngờ việc cổ phiếu YEG có thể bị "thổi giá", bởi khối lượng cổ phiếu lưu hành ít, cơ cấu sở hữu cô đặc với hơn 65,4% cổ phần nằm trong tay nhóm cổ đông lớn, lãnh đạo công ty.
Đồng thời, nhiều người hoài nghi về việc làm đẹp báo cáo tài chính khi lên sàn, giúp đẩy giá cổ phiếu YEG lên cao, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Tại thời điểm cổ phiếu YEG lao dốc xuống mức đáy 198.000 đồng/ cp hồi tháng 8/2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã mua vào 3,91 triệu cổ phiếu YEG phát hành thêm với mức giá 300.000 đồng/cp, cao hơn giá thị trường 51,5%.
Động thái này không những giúp YEG quay lại đỉnh cũ mà công ty cũng tăng vốn thành công, thu về khoản thặng dư cổ phần hơn 1.100 tỷ đồng và ông Tống ngay lập tức lỗ một khoản không nhỏ.
Cho đến nay, cơ sở nào khiến ông Tống chấp nhận "ném tiền qua cửa sổ", nguồn tiền đến từ đâu vẫn là những câu hỏi vẫn chưa được sáng tỏ.
Từ nay đến 11/3 còn hai phiên giao dịch nữa, nhiều khả năng YEG sẽ còn tiếp tục giảm sàn ít nhất là trong những ngày chờ đợi nếu kết quả tốt, còn ngược lại thì tương lai YEG sẽ ra sao?
Linh Đan