Với giá 15.550 đồng/cp, thị giá GIL đang ở mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua. Tuy nhiên, so với vùng giá đầu năm, thị giá cổ phiếu này vẫn thấp hơn gần 30% giá trị.
![]() |
Cổ phiếu GIL đang ở mức cao nhất trong 2 tuần. |
Đà hồi phục tích cực của cổ phiếu dệt may này diễn ra sau khi doanh nghiệp đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025, hé lộ những thông tin tích cực. Theo đó, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 69% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, tăng 82% so với thực hiện năm 2024.
Đáng chú ý, HĐQT cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền thực hiện ước tính khoảng 101,6 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến cũng là 10%.
Liên quan đến vụ kiện với Amazon, tại Đại hội cổ đông, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc cho biết dự kiến trong quý III năm nay, công ty sẽ thu hồi được phần tổn thất từ tranh chấp này.
Đồng thời, bà Nguyệt khẳng định Gilimex không bị ảnh hưởng nhiều trước áp lực thuế quan từ Mỹ hiện nay, do thị phần xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ chiếm chưa đến 10%, thị trường chính của công ty là châu Âu.
Tổng quan về “sức khỏe” Gilimex, sau biến cố khởi kiện Amazon hồi cuối năm 2022, giới đầu tư hoài nghi về động lực tăng trưởng của doanh nghiệp khi đã khởi kiện khách hàng đóng góp tới 85% tổng doanh thu của mình, đồng thời để ngỏ khả năng xử lý tồn kho liên quan tới khách hàng lớn lên đến 800 tỷ đồng.
Sau đó, tình hình kinh doanh của Gilimex có dấu hiệu lao dốc rõ rệt. Công ty đã trải qua 2 năm tăng trưởng âm: năm 2023 ghi nhận lợi nhuận giảm 92,1% về 28,45 tỷ đồng, năm 2024 tiếp tục giảm 8,4% về 26,07 tỷ đồng, hoàn thành 26,07% so với kế hoạch lãi tham vọng 100 tỷ đồng và cách rất xa thời điểm hoàng kim giai đoạn 2020-2022.
Về vấn đề tồn kho, ông Nguyễn Việt Cường, thành viên HĐQT Gilimex chia sẻ, tồn kho liên quan tới Amazon lên tới 800 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt nhiều hàng chỉ dùng cho khách hàng Amazon.
Điều này cho thấy Gilimex vẫn đang gặp rủi ro liên quan tới tồn kho sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách hàng Amazon và nếu việc khởi kiện không mang lại kết quả tích cực, đây có thể là rủi ro liên quan tới trích lập dự phòng trong tương lai.
Trong năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp bắt đầu đóng góp doanh thu cho Gilimex. Trong đó, công ty cho biết, doanh thu sản xuất ghi nhận 629,2 tỷ đồng, chiếm 88,4% tổng doanh thu; doanh thu kinh doanh bất động sản công nghiệp ghi nhận 82,3 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng doanh thu.
Bước sang năm 2025, Gilimex lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 68,9%, lên 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 475,4%, lên 150 tỷ đồng. Trong đó, đối với lĩnh vực sản xuất, mục tiêu trong 5 năm tới sẽ lấp đầy công suất cho các nhà máy hiện có.
Để có thể thực hiện tham vọng đẩy mạnh phát triển dự án bất động sản công nghiệp và hoạt động sản xuất, Gilimex lên kế hoạch đầu tư 1.800 tỷ đồng trong năm 2025, trong đó 1.100 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và 700 tỷ đồng vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động.
Theo đánh giá của Chứng khoán DSC, Gilimex đã chuyển hướng tập trung phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, các dự án tại khu vực miền Trung của Gilimex chưa thật sự hấp dẫn như các khu vực khác, do hạn chế về vị trí địa lý.
Do đó, dù tham gia lĩnh vực bất động sản công nghiệp đầy tiềm năng, nhưng với vị trí địa lý không quá thuận lợi, việc thu hút nhà máy tới khu công nghiệp đang là bài toán đối với Gilimex.
Châu Anh