Lộc An là một xã biên giới của huyện Lộc Ninh, với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45% dân số toàn xã. Kinh tế chủ yếu tại xã là nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều. Trong những năm gần đây, khi giá các loại cây nông nghiệp trên địa bàn xuống thấp, các hộ dân bắt đầu mở hướng chăn nuôi mới, nhất là chăn nuôi dê.
Mở hướng chăn nuôi mới
Từng là một hộ nghèo, gia đình chị Thị Vinh Kiều, dân tộc Stiêng tại ấp 2, xã Lộc An đã gây dựng được mô hình nuôi dê hiệu quả sau hơn 2 năm gây dựng và mở rộng, hiện tại có 26 con dê lớn nhỏ.
![]() |
Chuyển sang nuôi dê giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Lộc Ninh thoát nghèo. |
Với đàn dê hiện tại, gia đình chị bán thu về khoảng 40 triệu đồng và còn 6 con dê sinh sản. Từ số tiền bán dê, chị phát triển thêm vườn cây ăn trái gồm mít và sầu riêng, phân của dê được bón cho cây ăn trái giúp cho cây xanh tốt và ít bị sâu bệnh.
Chị Kiều trở thành tấm gương phụ nữ đồng bào dân tộc vươn lên làm kinh tế giỏi trong xã, nhiều hội viên phụ nữ nghèo trong ấp tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Hoặc như chị Thị Kim Minh ở ấp 2, xã Lộc An cũng là một điển hình của người dân tộc Stiêng sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng trại và mua 8 con dê giống Bách Thảo về nuôi.
Với đàn dê sinh sản, chị Minh bán dê con giống cho các hộ bắt đầu nuôi dê trên địa bàn xã. Từ số tiền thu được, một phần chị dùng sửa chữa nhà cửa, số còn lại tiếp tục mở rộng chuồng trại và trồng thêm cỏ để phục vụ chăn nuôi dê. Qua đó đã giúp gia đình chị Minh vươn lên thoát nghèo và hiện có nguồn thu ổn định từ bán dê giống, dê thịt mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Thu nhập ổn định giúp cho gia đình chị yên tâm phát triển đàn dê trong thời gian tới.
Trong việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để thoát nghèo cho đồng bào thiểu số còn có thể kể đến mô hình nuôi dê ở xã Lộc Phú thuộc huyện biên giới Lộc Ninh. Điều này đã giúp thoát nghèo cho 145 hộ trong xã vào năm 2020, trong đó có 45 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đơn cử như vợ chồng nông dân Lâm Canh và chị Niêng Thị Phương ở ấp Bù Nồm, trong 2 năm nay đã nuôi hàng chục con dê bán thịt rất được giá, cho thu nhập cao nên kinh tế gia đình dần ổn định và đã cơ bản thoát hộ nghèo.
Trong việc phát triển chăn nuôi dê cho đồng bào thiểu số và các hộ nghèo, việc áp dụng các mô hình kinh tế hợp tác cũng được huyện Lộc Ninh chú trọng.
Nổi bật là HTX kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp ở xã Lộc Hiệp với 45 thành viên, tổng vốn điều lệ 1 tỷ 280 triệu đồng, đàn dê hiện khoảng 1.500 con. Trung bình mỗi hộ thành viên của HTX thu nhập ổn định từ 4-8 triệu đồng/tháng.
Kết hợp nuôi dê với trồng tiêu
HTX Lộc Hiệp đang nỗ lực để phát triển thương hiệu dê sạch Lộc Ninh và xúc tiến chăn nuôi dê sạch theo quy trình kỹ thuật để cung cấp thịt dê theo yêu cầu của công ty thu mua.
![]() |
Các mô hình kinh tế hợp tác được huyện Lộc Ninh chú trọng trong việc phát triển chăn nuôi dê cho đồng bào thiểu số và các hộ nghèo. |
Hoặc như Tổ hợp tác kinh doanh chăn nuôi dê Tân Thắng ở xã Lộc Phú với 56 thành viên giúp mang lại ổn định cho các thành viên và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phát triển nghề chăn nuôi dê, các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Trung tâm Dạy nghề của huyện Lộc Ninh thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số và hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ trong hoạt động chăn nuôi dê.
Ngoài ra, các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện cũng đang kết hợp nuôi dê với trồng tiêu. Điều này không những mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp người dân giảm gánh nặng vào những thời điểm tiêu rớt giá hoặc dịch bệnh. Qua đó, người dân có thể cân đối nguồn thu để tái đầu tư sản xuất và làm giàu.
Tại xã Lộc Quang, anh Hoàng Văn Thủy (dân tộc Tày) kể rằng, khi thu nhập từ cây hồ tiêu giảm sút, chi phí đầu tư quay vòng bị hạn chế, nhiều hộ dân phải tìm cách khắc phục để vừa duy trì vườn tiêu vừa cải thiện kinh tế. Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là mô hình khá hiệu quả mà gia đình anh đang áp dụng.
Còn theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Thiện Hưng, phong trào nuôi dê trong xã phát triển khá mạnh từ hơn 10 năm trở lại đây. Nhiều nơi, dê trở thành vật nuôi chủ lực của người trồng hồ tiêu.
Nuôi dê không cần đầu tư nhiều vốn, trong khi lợi nhuận khá ổn định. Nhiều bà con còn chọn nuôi dê làm điểm tựa xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua, xã Thiện Hưng đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ để triển khai mô hình này cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Loan
Bài 2: "Sống dậy" nghề truyền thống