Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cho biết, tính đến ngày 30/6/2021, có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, tăng 01 tổ chức so với thời điểm cuối năm 2020, gồm: 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM).
Tổng số phí BHTG thu được trong 6 tháng đầu năm 2021 vượt 2,58% so với kế hoạch 6 tháng và đạt 50,3% so với kế hoạch năm 2021 được NHNN phê duyệt. Trong kỳ, không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Các tổ chức tham gia BHTG đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí BHTG theo quy định của pháp luật và Quy chế, Hướng dẫn của BHTGVN về phí BHTG.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã đầu tư là 67.688 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm 2019, vượt 5,2% kế hoạch được giao.
![]() |
Lãi suất trong năm 2020 giảm sâu khiến 67.688 tỷ đồng của Bảo hiểm tiền gửi không đạt mục tiêu kinh doanh. |
Đặc biệt, cơ quan này cho biết, tổng doanh thu chủ yếu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong khi danh mục đầu tư của BHTGVN theo Luật BHTG rất hạn chế. Hiện nay, BHTGVN chỉ thực hiện kinh doanh trên thị trường trái phiếu Chính phủ và gửi tiền tại NHNN.
“Trong năm 2020, với tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ gặp nhiều khó khăn, thách thức, lãi suất liên tục giảm nhanh và mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả đầu tư vốn tạm thời của BHTGVN, vì vậy, BHTGVN gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu của NHNN giao, vừa đảm bảo hài hòa giữa kế hoạch kinh doanh, kế hoạch lao động tiền lương và kế hoạch tài chính”, BHTGVN cho biết.
Năm 2019, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu Chính phủ là 4,51%/năm, thấp hơn 0,2 điểm % so với mức 4,71%/năm của năm 2018. Sang năm 2020, lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh, xuống quanh mức 2,86%/năm.
Đánh giá về kết quả thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, BHTGVN cho biết, trong năm thu phí BHTG đạt 8.323 tỷ đồng, vượt 8,7% kế hoạch năm, tổng số tiền đầu tư trong năm là 20.228 tỷ đồng, vượt 5,2% kế hoạch, doanh thu hoạt động đầu tư vốn đạt 3.306 tỷ đồng, vượt 2,5% kế hoạch, tổng doanh thu đạt 3.319 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 194,5 tỷ đồng, vượt 27,7% kế hoạch năm.
Cơ quan này cho biết, đã thực hiện quản lý và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo đúng quy định của pháp luật, việc sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư thận trọng, đảm bảo an toàn hiệu quả và phát triển vốn, nhằm đem lại nguồn thu tốt nhất để bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Ngoài ra, BHTGVN đã thực hiện tốt việc thu hồi đầy đủ các khoản gốc và lãi đầu tư đến hạn, đảm bảo nguồn vốn nhàn rỗi có thể quay vòng để tái đầu tư nhằm nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN, đảm bảo thanh khoản cho dự phòng chi trả BHTG, xử lý và tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Về các khó khăn, vướng mắc, BHTGVN cho biết, chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Việc bổ sung vốn điều lệ cho BHTGVN từ kết quả hoạt động của Dự án FSMIMS đã được BHTGVN trình cấp thẩm quyền vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các Bộ ngành về nội dung tăng vốn điều lệ của BHTGVN”, cơ quan này cho biết.
Thanh Hoa