HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân hoạt động trên địa bàn xã Thanh Vân. Đây cũng là một trong các xã thuộc xã nghèo 135, 30a được hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình HTX theo Luật HTX 2012 và thu hút người dân tham gia sản xuất là điều không hề đơn giản.
Áp dụng kỹ thuật
Gặp không ít khó khăn nhưng bằng sự năng động của những người đứng đầu HTX cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, HTX Thanh Vân đã tận dụng được sự hỗ trợ của Nhà nước về phát triển HTX cũng như tận dụng dụng điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
![]() |
Mật ong của HTX Thanh Vân |
Một số thành viên HTX cho biết, nuôi ong thì nhiều gia đình đã làm từ lâu nhưng nuôi ong theo trình độ kỹ thuật tiên tiến và mở rộng quy mô thì chỉ từ khi được HTX hỗ trợ vào năm 2016.
HTX đã đầu tư mua máy móc, gồm: Máy chiết rót, máy vắt, quay mật, máy đóng chai, in tem mác… Nhờ có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh, thành viên HTX được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để mở rộng quy mô đàn ong từ 100 tổ lên 560 tổ. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường hơn 2 nghìn lít mật ong các loại, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng, tin dùng.
Theo anh Tráng Thìn Lù, Giám đốc HTX, nghề nuôi ong nay đã khác xưa nhiều nhờ vào trình độ khoa học kỹ thuật thay đổi, quy mô tăng lên, người dân địa phương không còn phải vào rừng tìm tổ ong về thuần hóa nữa mà duy trì đàn ong tại nhà.
Để giữ được thương hiệu cũng như chất lượng của mật ong, các thành viên trong HTX phải cam kết đúng cách nuôi ong tự nhiên, không cho ong ăn đường và các chất hóa học khác để giữ chất lượng mật ong ổn định. Công dụng của mật ong được thể hiện ở nhiều lĩnh vực nên hiện nay, đầu ra sản phẩm rất thuận tiện. Hiện, mật ong của HTX đã có mặt trên thị trường trong tỉnh và Hà Nội.
HTX cũng đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh với nhãn hiệu mật ong Hoa Xuyến Chi. Với mục tiêu thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX đã chú trọng chuẩn hóa sản phẩm, nhằm tạo ra thương hiệu nông sản địa phương có giá trị; đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sản phẩm mật ong của HTX cũng là một trong số ít sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của địa phương có địa bàn tiêu thụ rộng và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đặc biệt khi tham gia OCOP, sản phẩm của HTX đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cạnh tranh ở các thị trường ngoại tỉnh. Đây là điểm mạnh giúp HTX ngày càng phát triển đầu ra.
Theo Ban giám đốc HTX, khi nắm vững được kỹ thuật, người nuôi không quá vất vả. Nhiều hộ từ khi tham gia HTX có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ bán mật ong và ong giống. Nhiều gia đình không còn rơi vào tình trạng thiếu ăn, không còn tình trạng chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước mỗi khi giáp hạt.
Nâng cao thu nhập
Đặc biệt từ khi HTX Thanh Vân ra đời việc phát triển đàn ong đã dễ dàng hơn. Không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của HTX các thành viên đã chủ động phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm của mình bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có sản phẩm tốt thì đó là cách quảng bá tốt nhất.
Mô hình sản xuất của HTX Thanh Vân được đánh giá là một trong những HTX hoạt động hiệu quả của huyện Quản Bạ khi thực hiện sản xuất tốt theo Luật HTX 2012. Hiện, HTX đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, đầu ra…
Nhìn vào sự phát triển của nghề nuôi ong hiện nay tại HTX Thanh Vân cho thấy nghề nuôi ong ở địa phương đang dần nâng cao về chất lượng và số lượng theo hướng hàng hóa. Giá mỗi lít mật ong thường vào khoảng 300 – 400 nghìn đồng/lít, mật ong bạc hà tùy thời có thể cao hơn gấp đôi, đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ nuôi ong trong vùng. Trung bình, các hộ nuôi nhiều ong thu về từ 100 – 200 triệu đồng/năm, từ đó từng bước thoát nghèo bền vững.
Anh Tráng Thìn Lù khẳng định, muốn nghề nuôi ong phát triển lâu dài, cần phải tham gia vào HTX, như vậy mới đủ tiêu chí xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, quy trình chọn mật nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Thị trường đã thay đổi nên không thể tiếp tục bán mật ong theo kiểu nhỏ, lẻ, rót vào từng chai không có nhãn mác như trước kia nữa.
Như Yến