HTX Chăn nuôi ong Phong Hưởng (Đồng Văn) là mô hình đi lên từ nghèo khó thành công của các thành viên khi biết tận dụng điều kiện tự nhiên, sức mạnh tập thể và những cơ chế chính sách phát triển HTX của Nhà nước.
Tập trung phát triển
Lựa chọn nuôi ong lấy mật là quyết định của các thành viên HTX Cao Hưởng vì nghề này vừa gần gũi vừa phù hợp với khả năng cũng như điều kiện nuôi của từng thành viên. Nuôi ong lấy mật cũng là thế mạnh của địa phương. Hơn nữa, nuôi ong không đòi hỏi khâu chăm sóc nhiều, ít có dịch bệnh, vốn đầu tư ít nhưng có thể thu hồi vốn nhanh sau mỗi mùa hoa. Tuy nhiên, nghề nuôi ong cũng đòi hỏi người nuôi phải có tính kiên trì, tỷ mỷ, nhất là vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp, cây trồng ít hoa. Muốn có thị trường thì không chỉ dừng lại ở việc tập trung nuôi ong.
![]() |
HTX Xuân Hưởng từng bước giúp người dân giảm nghèo |
Anh Trần Xuân Hưởng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong yêu cầu đối với người chăn nuôi ong là phải kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong.
Để làm được điều này, HTX đang thực hiện nuôi ong tự nhiên. HTX cũng chú trọng trong chế biến, đóng gói mật ong. Việc mở rộng liên kết sản xuất giữa các đối tác trong ngành ong cũng được các thành viên HTX chú trọng.
Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 60 triệu đồng để đầu tư nuôi 300 đàn ong, về sau thấy hiệu quả đã tăng số lượng đàn lên 1.000 tổ. HTX mua máy lọc mật, máy quay mật để phục vụ quá trình đóng gói.
Đặc biệt, năm 2017, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu với danh mục hàng hóa mật ong Phong Hưởng do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp. Đây là thành công lớn để sản phẩm mật ong của của HTX được bảo hộ trên thị trường, ngày một tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm.
Để khẳng định chất lượng, mật ong của HTX luôn đặc sánh, nguyên chất 100%. HTX cam kết không pha chiết với các loại mật ong khác có chất lượng kém hơn để giảm giá thành. Với chính sách, nuôi ong và bán trực tiếp sản phẩm mật ong của mình tới tay người tiêu dùng, vì vậy, các thành viên luôn ý thức được rằng chất lượng bao giờ cũng là yếu tố hàng đầu trong sản phẩm. Chính uy tín, chất lượng đã tạo nên thương hiệu cho HTX bấy lâu nay
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay HTX đã có 1.000 tổ ong nuôi ở các xã có diện tích cây bạc hà lớn như Thài Phìn Tủng, Tả Phìn, Sính Lủng. Theo anh Hưởng, trung bình 1 tổ ong/vụ cho thu từ 5 - 6 lít mật ong, nếu vào mùa hoa bạc hà có thể cho thu 7 lít mật/tổ; giá bán theo thị trường là 500 nghìn đồng/lít.
Nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật, tự sản xuất ra loại thùng nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, nên ong có thể phát triển tốt ngay ở xứ lạnh, HTX cũng chủ động sản xuất. Vụ vừa qua, HTX bán được khoảng 2.000 lít mật, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Sau gần 3 năm hoạt động, HTX đang có số vốn 1,8 tỷ đồng.
Nâng cao đời sống
Theo Ban giám đốc, HTX hoạt động trơn tru như hiện nay là nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp đỡ các thành viên rất nhiều trong quá trình hoạt động. Khi tham gia, thành viên đều được hỗ trợ 4.000 đàn ong (ong nội và ong ngoại), hỗ trợ 50% thức ăn, tập huấn kỹ thuật…
Bên cạnh đó, khi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa, từng bước mở rộng quy mô và thị trường được mở rộng. Doanh thu bình quân của các HTX đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, đem lại thu nhập bình quân cho các thành viên và người lao động 7-10 triệu đồng/tháng. Điều này góp phần cải thiện đời sống cho các hộ thành viên và hộ nuôi ong, giúp họ xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Anh Trần Xuân Hưởng khẳng định thành lập HTX nuôi ong đã tạo cơ hội cho người nuôi ong được tiếp cận với kỹ thuật mới về nghề nuôi ong mật chất lượng cao, từ đó thay đổi được các tập quán lạc hậu trong nuôi ong bằng giống nội, không di chuyển đàn. Kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, giúp cộng đồng chấp hành và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP…
Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh liên kết với các Tổ hợp tác, HTX cùng nuôi ong trên địa bàn để mở rộng sản xuất, đồng thời chú trọng cải tiến mẫu mã để nâng cao chất lượng.
Với cách làm bài bản, HTX mong muốn ngày càng đựợc mở rộng để nhiều người nuôi ong có thể phát triển sản xuất, làm giàu tại chính quê hương của mình.
Theo đánh giá của UBND huyện, HTX Chăn nuôi ong Phong Hưởng không chỉ góp phần phát triển nghề nuôi ong tại địa phương mà còn giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Nghề nuôi ong cũng là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân nên mô hình sản xuất của HTX luôn được đánh giá cao và tạo điều kiện phát triển.
Huyền Trang