Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch ngành BHXH đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (nhưng vẫn giảm 38.941 người so với hết năm 2020). Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 15,2 triệu người, giảm hơn 25.000 người so với cuối năm 2020.
Vẫn bỏ sót nhóm đối tượng tiềm năng
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết dù đã đạt được những đột phá bước đầu, nhưng thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
![]() |
Chính sách BHXH bắt buộc còn bỏ sót nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng nhưng chưa được luật hóa tham gia như người quản lý điều hành HTX không hưởng lương... |
Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia, như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt…
Theo thống kê, cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, nhóm này hiện nay chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH tự nguyện.
Cả nước cũng có trên 26.000 HTX hoạt động, thu hút hơn 6,8 triệu thành viên và 2,4 triệu lao động tham gia. Qua khảo sát tại một số địa phương, nhiều người quản lý hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, việc người lao động tham gia BHXH có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý thu - sổ - thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết theo quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người lao động làm việc tại doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 nếu phải nghỉ việc không hưởng lương thì được hỗ trợ nếu tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động nghỉ việc không hưởng lương.
Theo đó, mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày); 3.710.000 đồng/người đối với người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng (30 ngày) trở lên.
Nhanh chóng mở rộng đối tượng
Trước thực tế trên, TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng để tăng độ bao phủ BHXH, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp như làm kinh tế hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại…
Đánh giá việc thực hiện Luật BHXH 2014, TS. Hoàng Bích Hồng, Khoa Bảo hiểm (Đại học LĐ&XH), nhận định trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm trên 2,1 triệu người (trung bình mỗi năm tăng 4%). Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 40% số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia - điều này cho thấy việc thực thi pháp luật BHXH đạt hiệu quả chưa cao.
Trong bối cảnh chờ chính sách pháp luật sửa đổi, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu yêu cầu toàn ngành cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế trong các tháng cuối năm, trong đó tập trung tăng số tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, bên cạnh xác định mục tiêu số người tham gia, các đơn vị cần phải thống nhất được quy trình thực hiện, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" với các tiêu chí cụ thể. Đáng chú ý, phải làm rõ trong các tháng cuối năm cần tổ chức bao nhiêu cuộc hội nghị vận động trực tiếp hoặc gián tiếp, hội nghị trực tuyến hoặc hình thức livestream; trên cơ sở đó xây dựng nội dung kịch bản phù hợp, chuẩn bị nội dung tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Phó Tổng Giám đốc lưu ý toàn ngành cần có giải pháp thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, theo quy trình linh hoạt, chú trọng thanh tra đột xuất và theo hình thức trực tuyến. Ông Liệu nhấn mạnh: "Bằng các giải pháp phải đạt mục tiêu cuối cùng là phát triển cao nhất người tham gia BHXH, BHYT, đạt kế hoạch thu, giảm nợ đọng".
Thy Lê