Về kết quả thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến hết ngày 31/8/2020, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH là 15,35 triệu người, đạt tỷ lệ 89% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, chiếm khoảng 31,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Dấu hiệu khởi sắc
Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,56 triệu người, tăng 28 nghìn người so với tháng 7/2020, giảm 637 nghìn người so với cuối năm 2019.
![]() |
Nhiệm vụ về thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn rất nặng nề. |
Số người tham gia BHXH tự nguyện là 786 nghìn người, tăng 48,9 nghìn người so với tháng 7/2020, tăng 349 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 212 nghìn người so với cuối năm 2019.
Số người tham gia BHTN là 12,81 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 26% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 85 nghìn người so với tháng 7/2020, tăng 619 nghìn người so với cuối năm 2019.
Số người tham gia BHYT là 86,42 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT; tăng 506 nghìn người so với tháng 7/2020, tăng 1,27 triệu người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 492 nghìn người so với cuối năm 2019.
Số thu trong tháng 8/2020 đạt 60,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, giảm 3,4% so với tỷ lệ thu cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, trong tháng 7 và 8/2020, BHXH Việt Nam đã giải quyết mới cho 74 doanh nghiệp (DN) với 9.505 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 56 tỷ đồng; 643 DN đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất báo tăng 61.067 lao động và kết thúc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 205 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 8/2020 còn 954 DN, với 79.522 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 362,6 tỷ đồng. Xác nhận danh sách người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của DN đối với 164.916 lao động.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, tháng 8 do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 thứ hai, trong khi những tháng trước còn chưa kịp phục hồi nên hầu hết các chỉ tiêu đều tiếp tục giảm so với tháng 7, đặc biệt là tại những tỉnh chịu tác động mạnh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và một số tỉnh có NLĐ, DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Song, nền kinh tế cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc trong đầu tháng 9 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Một số DN lớn, sản xuất các mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động và duy trì xuất khẩu. Chính vì vậy, theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, có 5 địa phương có số người tham gia BHXH bắt buộc trong tháng 8 tăng so với tháng 12/2019.
Ông Liệu nhận định, qua bức tranh này có thể thấy những kịch bản BHXH Việt Nam đều sát với thực tế, chính vì vậy đã đưa ra được các giải pháp phù hợp trong thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Nhiệm vụ còn khó khăn
Theo ông Liệu, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2020, trong khi nhiệm vụ về thu, phát triển đối tượng còn rất nặng nề, mặc dù đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đạt và vượt chỉ tiêu theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra. Tuy nhiên, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà lãnh đạo BHXH ở địa phương cần có những giải pháp khơi dậy những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; tập trung vào phát triển BHXH tự nguyện để bù lại số BHXH bắt buộc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đối với BHYT từ nay đến cuối năm còn phải phát triển 1,6 triệu người tham gia mới đạt chỉ tiêu theo Quyết định 1167-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trung bình mỗi tháng cần phát triển hơn 500.000 người. Đây là con số không nhỏ, đòi hỏi ngay trong tháng 9 này, BHXH các tỉnh, thành phố phải cố gắng, trong đó cần tập trung quyết liệt phát triển đối tượng học sinh sinh viên tham gia BHYT, phấn đấu 99% học sinh, sinh viên có thẻ BHYT.
Đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020, BHXH Việt Nam yêu cầu: BHXH các tỉnh, thành phố đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức (tập trung chủ yếu bằng hình thức trực tiếp, tuyên truyền qua mạng xã hội, …). Gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT đến đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia.
Đồng thời, BHXH Việt Nam yêu cầu đẩy mạnh triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để khai thác, phát triển đối tượng. Tích cực triển khai thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để đôn đốc công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên bám sát đơn vị sử dụng lao động, cơ quan tài chính, cơ quan LĐ-TB&XH chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, đặc biệt là đôn đốc ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện. Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với DN nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho NLĐ.
Dựa trên tình hình thực tế, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo: Ban Thu xây dựng kịch bản giao chỉ tiêu từng tháng cho các tỉnh, trên cơ sở số liệu cụ thể từng vấn đề, đối tượng, số tiền thu, số tiền nợ để đưa ra kế hoạch chi tiết. Kèm theo đó là các giải pháp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đôn đốc và thậm chí phối kết hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá, họp bàn; cần thiết triển khai các buổi làm việc theo khu vực hoặc tại BHXH Việt Nam.
Thy Lê