Sáng ngày 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương về diễn biến và các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505 kg) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng.
Tại tỉnh Hưng Yên, từ ngày 1 đến ngày 27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại 35 hộ, 9 thôn của 7 xã. Toàn bộ 1.628 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 140.526 kg).
Tại tỉnh Thái Bình, từ ngày 13 đến ngày 27/2, bệnh DTLCP xảy ra tại 36 hộ, 9 thôn của 5 xã. Toàn bộ 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 20.973 kg).
Mới nhất, tại tỉnh Hà Nam, ngày 27/2, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Nguyên nhân được xác định là do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Thậm chí trong thời gian xảy ra dịch, phản ánh từ Chi cục Thú y Đà Nẵng cho biết, hiện trên Quốc lộ 1A vào thời gian cao điểm trung bình nửa tiếng có một chuyến xe chở lợn, gần 200 con lợn di chuyển theo hướng Bắc vào Nam. Hầu hết các xe chở có đầy đủ giấy tờ theo đúng pháp luật nên đơn vị chỉ có thể phun khử trùng rồi cho đi, kể cả nhiều xe không đủ yếu tố vệ sinh. Vì vậy, nguy cơ lây lan DTLCP vào Nam là rất lớn.
![]() |
Hàng nghìn con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy, gây tổn thất hàng chục tỷ đồng |
Tạm dừng vận chuyển lợn
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT chỉ rõ các bất cập trong công tác đền bù, phòng chống dịch. Cụ thể, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền; dẫn đến để làm thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị, Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến để chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn, khống chế ngay bệnh DTLCP.
Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ để chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP; trong đó quy định giá hỗ trợ bằng giá thị trường, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ ngay và chủ vật nuôi không nhất thiết phải khai báo và xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTLCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị để tổ chức ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP.
Đặc biệt, các ngành Công an, Quân đội, Ban chỉ đạo 389 các cấp, cơ quan Hải quan... cần siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn; đồng thời sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan diện rộng, tiêu hủy lợn với số lượng lớn.
Thy Lê