Ngày 1/3, hơn 241 triệu cổ phiếu BSR của Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn chào sàn UpCOM với giá tham chiếu 22.400 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau ít phút giao dịch, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đạt mức giá 31.300 đồng/cổ phiếu, tăng 39,7% so với giá tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, BSR vẫn duy trì được mức giá trần, với lượng khớp lệnh khủng lên đến hơn 14,1 triệu cổ phiếu – dẫn đầu toàn thị trường, tương ứng giá trị đạt trên 443 tỷ đồng, dư mua giá trần lên tới 6 triệu cổ phiếu.
Thăng hoa ngày đầu
Tại mức giá này, lượng cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán của BSR có giá trị đạt 7.500 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt 87.500 tỷ đồng. Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 1/3, nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch hết sức ảm đạm do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu quốc tế, nhiều cổ phiếu PLX, PVD, PVS… đều giao dịch trong sắc đỏ.
Ngày 17/1, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã IPO với 241,6 triệu cổ phiếu và giá khởi điểm là 14.600 đồng một cổ phiếu. Phiên đấu giá thành công ngoài mong đợi khi toàn bộ số cổ phần được bán hết với mức giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần. Riêng nhà đầu tư nước ngoài trúng 147,8 triệu cổ phiếu.
Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital – đã mua 10% cổ phần của BSR trong đợt IPO này với tổng giá trị khoảng 25 triệu USD.
Theo phương án cổ phần hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Sau IPO, BSR sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi 6,5 triệu cổ phần cho nhân viên.
Hiện đã có hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của BSR là Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam) và công ty Indian Oil Corp (Ấn Độ).
Với giá bình quân khi IPO là 23.048 đồng/cổ phiếu, để trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR, nhà đầu tư sẽ phải chi tối thiểu 34.800 tỷ đồng cho lô cổ phần tương ứng 49% vốn của BSR.
![]() |
“Top 20” trên Upcom, BSR có thực sự mạnh?
Vẫn còn nhiều tồn đọng
Hiện nay, tỷ lệ xăng dầu mà BSR cung cấp ra thị trường đạt khoảng 28%-30%, nhu cầu trong nước, thị phần nội địa chiếm trên 30%. Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều dư địa để phát triển, tạo cơ hội cho các công ty lọc hóa dầu trong tương lai. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu do sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 60% – 70% nhu cầu trong nước.
Năm 2017, Lọc Hóa dầu Bình Sơn_sản xuất và tiêu thụ gần 12,2 triệu tấn sản phẩm, doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 8.000 tỷ đồng.
Kinh doanh ổn định, tiềm năng về thị trường lớn, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn nhiều lo ngại về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh dài hạn của BSR.
Chẳng hạn, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ năm 2018 và cùng nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng 80% nhu cầu thị trường Việt Nam. Hai nhà máy này chính là đối thủ “nặng cân” và chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của BSR.
Bên cạnh đó, hiện BSR vẫn còn tới 2.741 tỷ đồng tiền gửi “mắc kẹt” tại Oceanbank. Điều này cũng khiến nhà đầu tư phải lo ngại. Theo lãnh đạo BSR, công ty đã rút 700 tỷ đồng từ OceanBank và cũng đã làm việc với NHNN và Oceanbank để đòi tiền.Tuy nhiên, khi nào khoản tiền này được sử dụng trở lại vẫn chưa rõ.
Mặt khác, các hoạt động đầu tư của BRS cũng không mang lại hiệu quả. Điển hình là khoản đầu tư tại CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung. Tổng vốn đầu tư tại dự án này đến này là 742 tỷ đồng, trích lập dự phòng 471 tỷ đồng.
Hiện nhà máy này đã dừng hoạt động do thua lỗ liên tiếp ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2014, tổng lỗ lũy kế đạt 571 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu còn lại 562 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng 1.047 tỷ đồng, và đã quá hạn.
Tính đến cuối quý III/2017, BSR còn dư nợ vay dài hạn 427 triệu USD, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang thực hiện dự án nghiên cứu mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay (50% vay từ các ngân hàng thương mại nước ngoài và 50% vay trong nước từ các ngân hàng trong nước).
Đây chính là bài toán về rủi ro tỷ giá mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Thùy Linh