Đây là nội dung vừa được nêu ra tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Theo đó, nhóm nghiên cứu CIEM khẳng định, bán gạo giá thấp có thể là một công cụ ngoại giao nhưng cần đánh giá chi phí – lợi ích của công cụ này trong quá trình áp dụng.
Chưa giàu từ lúa gạo
Nêu ra những thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, báo cáo của CIEM phân tích, trung bình giai đoạn 2005 – 2015, năng suất lúa gạo của Việt Nam đạt 5,4 tấn/ha, sản lượng cao hơn so với nhiều nước trồng lúa khác.
Tuy nhiên, năng suất lao động trong ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung có tốc độ tăng chậm. Năng suất lao động ngành nông nghiệp bằng khoảng 35% trung bình toàn nền kinh tế và riêng trồng lúa đem lại thu nhập thấp hơn so với các sản xuất nông nghiệp khác.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất lao động thấp của ngành lúa gạo là quy mô sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam còn nhỏ. Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha. Quy mô nhỏ khiến khó cải thiện được năng suất và thu nhập của người nông dân.
Ước tính, với diện tích 0,5 ha, một hộ gia đình chỉ có thể đạt thu nhập trung bình 3,9 triệu đồng/người/năm (tỉnh An Giang, năm 2013), thấp hơn mức chuẩn nghèo nông thôn. Vì vậy, đã bắt đầu có hiện tượng nông dân bỏ nghề trồng lúa, chuyển sang làm việc khác cho thu nhập cao hơn trên diện rộng.
Với quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng nhỏ, vai trò của thu nhập từ ngành trồng lúa giảm đi nhanh chóng. Người trồng lúa khó cạnh tranh nổi với nhiều ngành sản xuất. Theo số liệu VARHS (dữ liệu kinh tế) năm 2014, trung bình thu nhập từ lúa gạo chỉ chiếm 10% tổng thu nhập của hộ.
Ở các tỉnh có lợi thế về trồng lúa như Long An, thu nhập từ lúa có thể lên đến 73%. Ở Điện Biên, tuy cơ hội kiếm thêm thu nhập từ việc làm phi nông nghiệp không nhiều, song thu nhập từ lúa cũng chỉ chiếm trung bình 33%.
Liên quan tới vấn đề này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cùng bắt tay tìm giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, kịp thời tiêu thụ lúa gạo hàng hóa và đảm bảo có lãi cho người trồng lúa.
Cùng với đó, nhiều rào cản về đầu tư, mở rộng quy mô… đang khiến sản xuất lúa gạo lâm vào tình cảnh bế tắc. Cụ thể, các chính sách về đất nông nghiệp được coi là rào cản lớn cho sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp, từ đó tác động đến đầu tư, quy mô sản xuất, năng suất, khả năng cạnh tranh và thu nhập trong ngành lúa gạo.
Đặc biệt, rào cản về xuất khẩu gây khó khăn cho đa dạng hóa xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất lao động. Cụ thể là Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Về vấn đề này, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá, quy định của Nhà nước trong Nghị định 109 đang tạo điều kiện cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo và tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo.
![]() |
Xuất khẩu gạo năm nay chưa có dấu hiệu khởi sắc
Rào cản xuất khẩu
Theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, các DN xuất khẩu gạo sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng ba ngày làm việc (điều 17). Còn theo quy định của Thông tư 44/2010/TT-BCT hướng dẫn thi hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP, đăng ký nghĩa là nộp bản sao hợp đồng trong đó có giá gạo xuất khẩu và báo cáo về lượng thóc, gạo có sẵn của DN.
VFA có quyền yêu cầu Sở Công Thương tỉnh xác minh lượng thóc, gạo đã báo cáo và do đó, có khả năng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo của DN. Ngoài ra, thương nhân xuất khẩu gạo phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA.
“Rõ ràng những quy định pháp luật hiện nay đang tạo ra một lợi thế rất lớn cho các DN nhà nước trong xuất khẩu gạo. Điều này đi ngược lại tinh thần bình đẳng giữa các DN của Hiến pháp 2013. Thêm vào đó, các quy định này tạo ra nhiều không gian cho sự tùy tiện của cơ quan công quyền khi được yêu cầu xác nhận thông tin về lượng gạo có sẵn của DN, tạo cơ hội cho tham nhũng”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Trên thực tế, các DN nhà nước xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu là nhờ vào hợp đồng chính phủ, còn gọi là hợp đồng tập trung. Các hợp đồng này thường được giao cho VFA quản lý và phân bổ cho các thành viên của hiệp hội. Trong khi đó, các DN nhà nước như VINAFOOD I và VINAFOOD II là những DN đứng đầu VFA và lãnh đạo của các công ty này thường cũng là chủ tịch của VFA.
Chính những khó khăn trên đã khiến hoạt động xuất khẩu gạo lâm vào tình cảnh bế tắc không chỉ diễn ra trong năm 2016 mà cả bốn tháng đầu năm nay song vẫn chưa thấy có dấu hiệu cải thiện.
Bộ NN&PTNT vừa cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2017 ước đạt 573.000 tấn với giá trị 269 triệu USD. Tính chung, bốn tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu đạt 1,86 triệu tấn và 834 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Về thị trường, Trung Quốc và Philippines đang là hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Song hiện nay, Trung Quốc đang giảm nhập khẩu gạo cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong khi Philippines tạm dừng nhập khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước… khiến hoạt động xuất khẩu gạo gặp khó khăn.
Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các chuyên gia khuyến nghị cần bỏ những điều kiện xuất khẩu hiện nay quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP và thay bằng những điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn về chất lượng gắn với thương hiệu quốc gia. Nên để cho các DN nhỏ tự xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam với khối lượng nhỏ để họ có thể khai phá những thị trường khó tính, thị trường ngách.
Bên cạnh đó, Nhà nước không tham gia các hợp đồng tập trung và chuyển sang hỗ trợ DN đàm phán trực tiếp bằng cách cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Ngoài ra, cần cổ phần hóa DN nhà nước trong ngành lúa gạo và bỏ hết những công quyền dành cho VFA. Theo Ts. Cung, VFA không thể có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của DN thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA chỉ nên và phải là một hội ngành nghề theo đúng nghĩa của nó, cung cấp cho thành viên thông tin thị trường và bảo vệ lợi ích thành viên khi lợi ích của họ bị xâm phạm ở trong và ngoài nước.
“VFA cần được cải tổ để có sự tham gia của người sản xuất trực tiếp, còn các thành viên có quyền và trách nhiệm như nhau”, ông Cung khuyến nghị.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Thời gian tới, cần hỗ trợ DN xuất khẩu gạo thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài. Các thương vụ ở nước ngoài có thể là nơi trưng bày sản phẩm gạo Việt Nam và hỗ trợ nhóm DN thiết lập kho chứa cũng như phân phối trực tiếp. Chính phủ cần có bộ phận chuyên trách về tiếp thị lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung để hỗ trợ DN xuất khẩu như một số nước đã thực hiện. Đã đến lúc nông nghiệp cần được đầu tư xứng đáng với vai trò của nó trong nền kinh tế. Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA Nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đang từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy đây là xu hướng được dự đoán từ trước nhưng chắc chắn sẽ tác động tới tình hình xuất khẩu của DN. Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Phải thẳng thắn nhìn nhận lại hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua, không thể cứ nói suy giảm là do cầu thế giới thu hẹp. Thực tế cho thấy, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm, xuất khẩu gạo của Thái Lan vẫn tăng cả về lượng và giá trị. Đồng thời, phải tìm lời giải vì sao xuất khẩu nhiều, giá trị thấp, đời sống người nông dân khó khăn? Thậm chí tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng mà đời sống người dân không được đảm bảo? |