Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy tính đến 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đạt gần 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mảng màu sáng - tối
Ngoài vốn đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần đạt 1,61 tỷ USD (giảm 54,3% so với cùng kỳ), thì cả vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ 2020)....
![]() |
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD. |
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Mặc dù, vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.
Đặc biệt, số lượng dự án mới có quy mô trên 50 triệu USD tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô vốn bình quân tăng từ gần 6 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2020 tăng lên 11,8 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2021 và tăng từ 7,1 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 8,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.
Tuy nhiên, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra một số nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần. Đó là dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia đối tác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn diễn biến phức tạp, các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển.
Nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh... Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra.
Hơn nữa, các thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là một rào cản, trong khi hoạt động xúc tiến đầu tư thiếu sự chủ động và trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI nếu tiếp tục với cách làm truyền thống sẽ kém hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút FDI của toàn cầu. Cụ thể, chỉ có vốn góp, mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm giảm, còn vốn đăng ký mới và tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và được coi là điểm sáng trong bức tranh FDI những tháng đầu năm.
Ông Thúy cho rằng, sở dĩ Việt Nam có thể thu hút FDI vì có những lợi thế như kinh tế vĩ mô ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực trẻ... Thời gian qua, thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có xu hướng đứng đầu. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của ngành công này đối với nhà đầu tư nước ngoài và là dấu hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế những năm tới.
Cạnh tranh khốc liệt
Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, nếu trình độ lao động Việt Nam được nâng lên một tầm mới thì chúng ta sẽ thu hút FDI tốt hơn. "Thời gian qua, một số tập đoàn, có giá trị sản xuất lớn trong chuỗi toàn cầu đã đến tìm hiểu đầu tư ở Việt Nam nhưng chỉ do lao động của chúng ta chưa đạt yêu cầu về trình độ cao nên họ phải chuyển sang thị trường khác", ông Thúy nói.
Do vậy, đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Việt Nam cần phải phát triển giáo dục đào tạo để nâng tầm lao động Việt Nam hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất để hướng tới Việt Nam thịnh vượng.
Mới đây, Tập đoàn công nghệ cao AT&S, nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm bảng mạch in (PCB) và mạch tích hợp (IC) cao cấp có trụ sở chính tại Áo, đã quyết định chọn Malaysia để xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á. Dù trước đó, Tập đoàn này đã tới Việt Nam để báo cáo kế hoạch nghiên cứu đầu tư một dự án công nghệ cao quy mô tỷ USD ở Việt Nam.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cảnh báo điều này cho thấy chúng ta chưa thể hoàn toàn lạc quan về kết quả thu hút FDI vào Việt Nam trong những tháng tới. Gần đây, đã có 2 dự án quy mô lớn chuyển sang Indonesia, Malaysia. Tiềm năng thu hút FDI ở phân khúc cao là rất lớn nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn ban đầu.
Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đang chạy đua cạnh tranh để đón đầu xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, Indonesia đang đưa ra biện pháp khuyến khích đầu tư mới để thay thế những biện pháp lỗi thời, Malaysia đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các chính sách thu hút FDI, tạo động lực phục hồi kinh tế.
Hơn nữa, làn sóng COVID-19 trở lại cũng đang khiến hoạt động thu hút FDI bị ảnh hưởng, các DN FDI trong khu công nghiệp có nguy cơ gián đoạn, ngừng sản xuất. Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục phản ánh về những bất cập trong vấn đề cách ly với chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, chia sẻ khảo sát cho thấy 81% hội viên của Hiệp hội này nói rằng, công ty của họ sẽ đưa thêm người đến Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc được giảm từ 21 ngày xuống còn 7 ngày. "Dịch bệnh sẽ còn tiếp tục gây ra gián đoạn và việc buộc mọi người ở trong nhà vài tuần có thể là một ý tưởng tốt cho hiện tại. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cũng cần thực sự cân nhắc về một hệ thống hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam", ông này chia sẻ.
Theo đó, AmCham mong muốn Việt Nam ban hành những thủ tục nhập cảnh nhẹ nhàng hơn đối với hành khách là các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài và thậm chí cả khách du lịch đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ KH&ĐT vừa ban hành quyết định bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam, đồng thời ban hành kèm 64 bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp Trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp chế xuất thực hiện. Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, DN, chủ đầu tư.
Ông Đậu Anh Tuấn Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI vài năm gần đây đã cảnh báo về dấu hiệu quy mô DN FDI giảm dần theo thời gian. Một số chuyên gia cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều DN FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh, cung ứng cho các dự án FDI lớn. Các DN này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các DN Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, khi dự án FDI quy mô nhỏ được sàng lọc, dù là tự nhiên do COVID-19 thì ở một góc độ nào đó cũng là điều đáng mừng.
Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Để thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như Mỹ, EU... Ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp, thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... |
Lê Thúy