Nói về điểm yếu, kém hiệu quả của chuỗi giá trị nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), như nhận định của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), có hàng nghìn tổ hợp tác phi chính thức nhưng không có chức năng kinh doanh.
Theo WB, các hợp tác xã kiểu mới, định hướng kinh doanh cũng gặp phải vấn đề về quản lý, quản trị và bị chính quyền địa phương can thiệp vào quá trình ra quyết định. Do có ít hợp tác xã hoạt động hiệu quả nên chi phí giao dịch trong hầu hết các chuỗi giá trị xuất khẩu tăng lên, các doanh nghiệp thu mua và thương lái khó gắn kết, theo dõi và quản lý việc thu mua với từng nông dân.
Nhiều bất cập
Tình trạng đó, như nhận định của chuyên gia WB, cũng làm tăng thất thoát sau thu hoạch khi nguyên vật liệu không được phơi sấy và bảo quản đúng quy trình. Tính kinh tế theo quy mô chắc chắn tạo ra lợi thế to lớn riêng đối với khâu sau thu hoạch. Việc thiếu hành động tập thể của nông dân đã làm suy yếu vị thế đàm phán và tiếng nói của họ trong chuỗi giá trị.
Vấn đề kém hiệu quả của chuỗi giá trị này, nhất là trong lĩnh vực lúa gạo tại vùng ĐBSCL cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mổ xẻ khi chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại tỉnh An Giang hôm 15/3.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý rằng hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Đây là những biểu hiện không bền vững trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.
Trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL, có thể thấy đến nay vẫn còn nhiều bất cập, là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất. Ts. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đã chỉ ra điểm hạn chế hiện nay là chuỗi ngành hàng lúa gạo san sẻ ra quá nhiều công đoạn.
Đơn cử một vài số liệu. Về tỷ lệ lãi trên đơn vị thì nông dân cũng khá so với các công đoạn khác (từ 34,0 – 36,5%), nhưng tổng thu nhập thì quá thấp (240 USD/năm) chủ yếu là do nông hộ có diện tích đất sản xuất quá nhỏ (BQ 0,6ha).
Tỷ lệ lãi của thương lái là 19% nhưng họ có dịch vụ với khối lượng khá lớn nên thu nhập tốt hơn (25.000 USD/năm).
Còn phía công ty xuất khẩu có tỷ lệ lãi khá nhưng ít hơn nông dân (29%), nhưng có khối lượng xuất khẩu lớn (100.000 tấn lúa/năm, tương đương 60.000 tấn gạo) có tổng thu lớn (2.221.000 USD/năm).
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng mẫu lớn ở An Giang.
Cần đột phá chuỗi giá trị
Vấn đề ở đây, theo Ts. Lê Văn Bảnh, là các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo gồm nông dân, thương lái, hàng xáo, nhà máy xay chà đánh bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa liên kết, hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả, cùng có lợi.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL chưa tham gia liên kết, hợp tác với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng của gạo xuất khẩu, dẫn đến nghịch lý là nông dân trồng giống lúa chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường gạo cấp cao nhưng chất lượng gạo xuất khẩu thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.
Theo giới chuyên gia, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng từ trước đến nay được đầu tư thấp và hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ, thiếu liên kết vùng. Sự gặp nhau giữa chính sách vĩ mô và vi mô còn nhiều bất cập.
Trăn trở về vấn đề này, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải thừa nhận hiệu quả trồng lúa còn thấp, kể cả sản xuất 3 vụ/năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha/năm. Ngay ở vựa lúa lớn nhất cả nước như ĐBSCL thì người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi.
Sản xuất lúa sử dụng nhiều lao động, vật tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước, nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Giá thành gạo cao hơn so với thế giới. Khả năng cạnh tranh kém, chỉ bán vào thị trường dễ tính, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội.
Chưa có thương hiệu nổi tiếng và hiện bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước. “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”, Thủ tướng bày tỏ.
Với tầm nhìn này, Thủ tướng yêu cầu đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, mô hình phát triển, hình thành cho được chuỗi giá trị, phải giải quyết được vấn đề quy hoạch kinh tế và liên kết vùng. Các địa phương phải có giải pháp không để hạt gạo đi lòng vòng trước khi xuất khẩu, chịu chi phí trung gian lớn.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, thuê lại đất lâu dài là những hướng điều chỉnh quy mô phù hợp. Cần tổ chức sản xuất lớn, hình thành các vùng chuyên canh lúa tập trung cho từng mục đích, từng thị trường, có các cụm công nghiệp dịch vụ chế biến sâu, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật trên quy mô lớn.
Thế Vinh