Đơn cử như bánh kẹo, trong dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa qua cho thấy sự áp đảo của các loại bánh kẹo ngoại ở hai thị trường lớn là Tp.HCM, Hà Nội.
Nhờ có thương hiệu và bao bì sang trọng, nên nhiều loại bánh kẹo ngoại từ Pháp, Mỹ, Malaysia, Thái, Nhật, Hàn… dù có mức giá nhỉnh hơn 10 – 15% nhưng vẫn được “ưu tiên” trong giỏ quà Tết của nhiều người tiêu dùng, mặc cho bánh kẹo nội với đủ loại bao bì lòe loẹt tràn ngập trên các kệ hàng.
Tốn kém nhưng khó hút người mua
Một dự báo của công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) cho thấy thị phần bánh kẹo của DN Việt dường như co lại trước bánh kẹo ngoại, dù cho thị trường bánh kẹo Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, vào khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Điểm yếu bao bì, mẫu mã, giá cả, chất lượng chưa cao, thương hiệu còn khiêm tốn của bánh kẹo nội được cho là một trong những nguyên nhân kém cạnh tranh trước bánh kẹo ngoại.
Đây cũng là “căn bệnh” chung của nhiều loại thực phẩm Việt hiện nay, nhất là những hạn chế về công nghệ bao bì, như lưu ý của Gs.Ts. Lưu Dzuẩn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) tại buổi họp báo tại Tp.HCM ngày 6/3 giới thiệu Triển lãm quốc tế về ngành thực phẩm chế biến và đóng gói bao bì – PropakVietnam 2018 (diễn ra từ 20 – 22/3).
Theo ông Dzuẩn, có những thực phẩm Việt mà phần bao bì chiếm đến 50 – 80% giá thành. Chẳng hạn những sản phẩm đồ uống như bia lon hay nước khoáng đóng chai thì không chỉ cái chai, vỏ lon mà kèm theo là cả bao bì bên ngoài, rồi bao bì vận chuyển. Giá trị của phần nước là thấp, còn chi phí cho bao bì lại rất cao.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất, đầu tư ngành thực phẩm cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí bao bì. Để giảm thì không có nghĩa là làm cho bao bì đơn giản, xấu xí đi mà phải có công nghệ mới, “tự động hóa” để giảm bớt các chi phí đó.
Thực tế hiện nay, như sản phẩm chai nước suối của nhiều DN nội địa thường có bao bì ép nhiệt bị lỗi dẫn đến méo mó, mới nhìn đã chẳng muốn mua. Trong khi một chai nước suối do DN nước ngoài sản xuất có mẫu mã xinh xắn, nắm vừa lòng bàn tay, hình ảnh được vẽ cầu kỳ, thoạt nhìn đã muốn “móc hầu bao”.
![]() |
Bao bì kém bắt mắt, chiếm nhiều chi phí đang là “căn bệnh” chung của nhiều loại thực phẩm Việt
Quan trọng nhất là chất lượng
Để ý sẽ thấy, một hộp sâm Hàn Quốc khi bán tại thị trường Việt Nam bao gồm một cái hộp lớn bên trong có chứa những hộp nhỏ với những miếng sâm bé bé trong đó. Nếu nói đùa là chở “không khí” từ Hàn Quốc sang Việt Nam thì có thể thông qua cái bao bì đó với số lượng rất lớn, chiếm không gian, diện tích lớn dù cho sản phẩm bên trong khá nhỏ.
Đây cũng là “căn bệnh” trong việc bắt chước mẫu mã đóng gói bao bì nêu trên của nhiều DN thực phẩm Việt khi hiệu quả mang lại chưa chắc đã cao. Cho nên, vị Phó Chủ tịch VAFoST cho rằng một trong những xu thế của việc phát triển công nghiệp thực phẩm là nên hạn chế những bao bì tốn kém để nâng cao hơn giá trị của sản phẩm.
Cũng nên nhắc lại nhận định gần đây của ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm công ty cổ phần Lotte Mart Việt Nam, một trong những lý do khiến thực phẩm nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã bao bì sản phẩm còn quá đơn điệu, thiếu sự sáng tạo hoặc chưa có tính thẩm mỹ, lòe loẹt.
Một nhân viên sales chia sẻ: nếu so sánh mẫu mã bao bì thực phẩm, hàng Việt còn thua xa hàng Thái hay hàng Trung Quốc. Vì là dân sales nên mỗi khi cầm sản phẩm của các DN trong nước đi tiếp thị, nhìn hàng Thái hay Trung Quốc rồi nhìn lại hàng của mình cách biệt một trời một vực về mẫu mã. Trong khi đó, tâm lý của nhiều người tiêu dùng hiện nay là chọn các sản phẩm mẫu mã đẹp, bắt mắt…
Ngoài vấn đề bao bì, theo ông Dzuẩn, việc chế biến thực phẩm ở Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các kỹ thuật truyền thống.
Riêng ở khâu phân phối, vẫn còn những vấn đề tồn đọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm Việt. Điểm yếu cố hữu là còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngay như các kho chứa tiêu chuẩn để lưu trữ các sản phẩm trong thời gian dài còn chưa được đầu tư. Nhiều nông dân còn chưa cập nhật đầy đủ thông tin thị trường. Vị trí địa lý còn gây khó khăn cho việc vận chuyển…
Trong khi đó, những hạn chế của các DN thực phẩm nội với quy mô nhỏ còn khá phổ biến nên chỉ tập trung sản xuất ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế đơn giản, tỷ lệ chế biến sâu còn rất thấp. DN cũng chưa chú trọng nhiều vào bao bì và nhãn mác sao cho thật lôi cuốn.
Rõ ràng, trước sức ép từ thực phẩm ngoại, các DN thực phẩm nội còn nhiều việc phải làm, từ bao bì, thương hiệu cho đến chất lượng thực phẩm.
Thế Vinh