Tại Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu ngành nông nghiệp trong 10 năm tới đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn, trong tương lai, ngành nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
10 năm phát triển mạnh
Sự tin tưởng, kỳ vọng của Thủ tướng đối với ngành nông nghiệp không phải là không có cơ sở. Suốt 10 năm qua, ngành nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện.
Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển ổn định, thể hiện rõ nét qua những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, về xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 18 thế giới, với kim ngạch năm 2017 đạt mốc 36 tỷ USD, vượt qua cả dầu thô.
Từ năm 2013 đến nay, triển khai thực hiện tái cơ cấu theo quyết định của Chính phủ, ngành nông nghiệp đã có những bước thay đổi căn bản theo hướng chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển…
Trong 10 năm trở lại đây (2008 – 2017), tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản đã đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. So với 10 năm trước, giá trị XK của nông lâm thủy sản đã tăng tới trên 20 tỷ USD, từ mức 16 tỷ USD lên 36 tỷ USD.
Riêng 7 tháng năm 2018, kim ngạch XK nông lâm thủy sản đã đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn toàn có thể cán đích 40 tỷ USD như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường "khó tính" như như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia…, đứng thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á và thứ 16 trên thế giới, góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, giảm nhập siêu cho cả nước.
Trong thời gian tới, dự kiến thị trường nông sản Việt Nam tiếp tục sẽ phát triển mạnh hơn nữa, khi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ.
Chỉ tính riêng hai năm 2016 – 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ít nhất 10 nghị định về các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chuyển đổi mô hình sản xuất, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Đặc biệt, Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, được ban hành tháng 4/2018 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tạo nên nhiều tác động tích cực, thúc đẩy nông nghiệp trong nước phát triển.
![]() |
Thủ tướng "đặt hàng" nền nông nghiệp Việt vào tốp 15 thế giới |
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng đã đặt hàng cho nền nông nghiệp Việt Nam thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm do còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp, nông thôn mới.
Ông Lê Thành, Giám đốc Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, nhận xét năm 2017, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về XK nông sản với kim ngạch đạt trên 30 tỷ USD. Để vào được danh sách 15 nước đứng đầu thế giới, con số này phải đạt 90-100 tỷ USD. Đây quả thực là một con số vô cùng thách thức trong 10 năm tới.
Sau nhiều năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: Sản xuất nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất khó khăn, tính liên kết yếu, công nghiệp và công nghệ chế biến chưa tương xứng với sản xuất, an toàn, vệ sinh thực phẩm chưa tốt…
Riêng sản xuất nhỏ lẻ, đây là tàn dư của một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Việc sản xuất nhỏ lẻ đang kéo lùi sự phát triển của các khâu tiếp theo như chế biến sau thu hoạch…
Chưa kể, để nông nghiệp phát triển mạnh cần phải có sự vào cuộc của DN, nhất là trong kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị để sản phẩm được đảm bảo về đầu ra, tránh tình trạng "giải cứu" nông sản như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chỉ chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Hơn 95% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Ngoài ra, tuy tự hào đã có mặt ở cả những thị trường "khó tính", nhưng không có nghĩa là hàng nông sản Việt đã tiến sâu, tiến vững chắc và đa dạng mặt hàng vào những thị trường này.
Trong khi đó, ở thị trường toàn cầu, khó khăn lớn nhất của nông sản Việt Nam hiện tại cũng như lâu dài là việc tạo được thương hiệu, tạo được niềm tin cho các bạn hàng, tránh tình trạng bị tái lập chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thông qua việc lập hàng rào thương mại để đối phó với hàng "Made in Vietnam".
Để vượt qua những "cửa ải" khó khăn này, không cách nào khác, ngoài việc khuyến khích DN lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất quy mô lớn, từ nông trại đến bàn ăn; ưu tiên công nghiệp chế biến sâu để tạo uy tín và xây dựng thương hiệu về chất lượng nông sản Việt với "bạn hàng" quốc tế.
Người nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo phong trào bằng hợp tác, liên kết, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quy hoạch, quy trình sản xuất an toàn.
Hồng Nhung