Bản kiến nghị mới vào trung tuần tháng 10/2017 của VASEP cho rằng, mức phí 700.000 đồng/lần thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản hiện hành theo Thông tư 230/2016 là quá cao. Cho nên, mức phí phù hợp cho việc này là giảm xuống còn khoảng 200.000 đồng/lần.
Thực tế, việc kiến nghị giảm phí này là để giảm chi phí cho ngư dân, DN thủy sản do mức phí hiện hành đang làm tăng gánh nặng chi phí cho DN. Điều này vừa làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu vừa hạn chế sức phát triển của DN thủy sản vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Phí “dàn hàng ngang”
Cần nói thêm, việc phải xin cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác được xem là điều bắt buộc với các DN thủy sản hiện nếu muốn xuất sang thị trường Mỹ hay EU. Trong khi đó, do DN mua thủy sản từ nhiều địa phương khác nhau và mua thành nhiều đợt nên chi phí xác nhận nguyên liệu nếu cộng dồn là khá lớn.
Theo phản ánh của DN thủy sản, mức phí và lệ phí tăng cao còn nằm ở Thông tư số 285/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ đầu năm 2017), Quyết định 1767/QĐ-TYV6 về việc ban hành danh mục chi tiết và mức giá dịch vụ kiểm tra vệ sinh thú ý tại cơ quan Thú y vùng VI. Theo đó, cơ quan này sẽ chủ động thu phí xét nghiệm cho từng mặt hàng mà như băn khoăn của DN là mức phí này hiện rất cao.
Cụ thể, theo Thông tư số 285, mức thu kiểm dịch là 200.000 đồng/lô hàng thủy sản, trong khi trước kia không hề thu mức phí này. Vấn đề đáng nói là khâu kiểm dịch lại khá đơn giản, chỉ dựa trên hồ sơ và cảm quan mà không tốn nhiều công sức. Còn theo Quyết định 1767, nhiều DN thủy sản cũng cho rằng đơn giá kiểm nghiệm của đa số chỉ tiêu đã cao hơn 2 – 3 lần.
Vì vậy, để giảm phí, các DN thủy sản kiến nghị Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên công nhận kết quả giấy chứng nhận kiểm dịch/an toàn thực phẩm của các nước xuất khẩu vì đa phần nước xuất khẩu là những nước phát triển, hoặc đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như EU, Australia, New Zealand…
Ngoài ra, cơ quan quản lý nên kiểm tra lô hàng theo tỷ lệ/xác suất (quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế). Về phía Bộ NN&PTNT cũng nên xem xét giảm chỉ tiêu, giảm mức phí kiểm nghiệm cho phù hợp.
![]() |
Có quá nhiều chi phí, lệ phí tăng cao đang làm khó DN thủy sản
Có ai thấu cảm?
Trong kiểm tra an toàn thực phẩm cho hàng xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, các nhà máy xuất khẩu thủy sản được đánh giá xếp loại nhà máy để có các cơ chế xét ưu tiên trong kiểm hàng (dựa trên quản lý rủi ro). Nhưng trong kiểm dịch hàng nhập khẩu tại Việt Nam lại không có cơ chế dựa trên quản lý rủi ro này.
Do đó, nhiều DN chế biến thủy sản từng kiến nghị cần có cơ chế xếp loại DN xuất khẩu để xét ưu tiên miễn kiểm dịch đối với từng nguyên liệu mà DN thường xuyên nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ và cùng nhà cung cấp dựa vào kết quả kiểm tra và lịch sử của các lô hàng trước.
Theo tính toán của VASEP, mỗi DN chế biến thủy sản đã phải chi thêm từ 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm dựa trên quy định về chi phí kiểm dịch hàng của DN. Rõ ràng, đây là mức tăng cao so với năm 2016.
Nỗi ám ảnh đội chi phí vì mức lệ phí tăng cao ở trong nước là vậy, nhưng càng lo hơn cho thời gian tới khi mới đây, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) thông báo, kể từ đầu năm 2018, Mỹ (thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam) sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản.
Điều này buộc các DN xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường Mỹ sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư công nghệ để quản lý dữ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, DN còn chịu sức ép chi phí tăng mạnh từ việc Mỹ yêu cầu kiểm tra 100% lô hàng cá tra (sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam) kể từ tháng 8/2017.
Mặt khác, nhiều DN thủy sản Việt Nam vẫn nơm nớp lo hải sản Việt bị “rút thẻ vàng” ở thị trường EU liên quan đến IUU (Quy định về chống đánh bắt cá hợp pháp). Còn tại thị trường Mỹ sẽ áp dụng luật IUU từ ngày 01/01/2018.
Do đó, nếu các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường cao cấp này bị giữ lại tại cảng để chờ kiểm tra, chắc chắn chi phí phát sinh tốn kém đối với DN là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, thủy sản là một trong những ngành có mức thâm dụng lao động cao nên gánh nặng về lương, chế độ bảo hiểm xã hội với các DN thủy sản là rất lớn.
Với việc tăng lương tối thiểu và chính sách đóng bảo hiểm xã hội được cho là cao như hiện nay, theo chia sẻ của ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Thương mại & Thủy sản Thuận Phước, lo nhất là các khoản chi phí sẽ “đội” lên, là con số không nhỏ đối với những DN có hàng nghìn lao động như Thuận Phước.
Cho nên, với nhiều loại chi phí, lệ phí tăng cao và bủa vây như vậy, các DN thủy sản hiện giờ khó có đường để vừa trụ vững vừa có sức cạnh tranh, nhất là khi nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực ngày càng khó tính, đối thủ cạnh tranh luôn trực chờ. Không lẽ các cơ quan quản lý không thấu cảm chuyện này?
Thế Vinh