Mới đây, tại Thanh Hóa, giá dứa 1.000 – 2.000 đồng/kg không ai mua, người dân đành chấp nhận để dứa chín ngoài đồng; sữa bán rẻ như nước lã; bí đao, củ cải bỏ thối đầy đồng… cho thấy thực trạng rất đau xót của ngành nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng có hai lý do chính khiến nông sản luôn rơi vào tình cảnh được mùa mất giá. Thứ nhất là do không có ký kết hợp đồng nên bị thương lái Trung Quốc "bẻ kèo". Thứ hai là do chất lượng nông sản không đảm bảo, còn tồn dư chất bảo vệ thực vật, thiếu bao bì mẫu mã.
Sản xuất theo phong trào
PGs.Ts, Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, đánh giá thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam. Có nhiều mặt hàng nông sản không xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc được thì không xuất được đi đâu như hành tím, dưa hấu, lợn… Thậm chí, có nhiều mặt hàng dù XK đi các nước khác nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường đặc biệt quan trọng như gạo, thanh long.
Tuy nhiên, rất tiếc trong thời gian vừa qua, chúng ta vẫn cứ níu giữ cách làm ăn cũ, chủ yếu xuất hàng hóa bằng đường tiểu ngạch, thậm chí qua đường mòn, lối mở. Doanh nghiệp (DN) cứ mua gom hàng rồi đưa lên biên giới tiêu thụ. Cách làm này mang tính tùy tiện, lượng hàng nhiều thì cung vượt quá cầu.
Phía Trung Quốc vì thế đưa thêm điều kiện, yêu cầu điều hàng từ cửa khẩu này sang cửa khẩu khác, thậm chí hàng hóa ứ đọng, dẫn tới tình trạng dư thừa. Dư thừa thì phải "giải cứu" như câu chuyện của thanh long, vải, hành tím, thịt lợn hay dưa hấu… diễn ra nhiều năm qua.
Thời gian tới, ông Thắng cho rằng cơ quan quản lý cần phải tổ chức lại sản xuất nông sản theo cách bài bản (từ khâu sản xuất tới thu mua), cần phải xác định những sản phẩm có thế mạnh mà chúng ta đưa sang thị trường Trung Quốc, chứ không chỉ giao ở biên giới, không biết hàng hóa đến đâu.
Bên cạnh đó, DN, cơ sở sản xuất cần thay đổi cách buôn bán, ký hợp đồng theo chính ngạch, làm việc với hệ thống phân phối bán lẻ của Trung Quốc để XK trực tiếp vào thị trường này.
Ông Phạm Năng Thành, công ty TNHH Thuận Tâm Thành, chia sẻ mỗi năm, công ty XK khoảng 3.000 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc (30% là XK chính ngạch, 70% là xuất tiểu ngạch).
Điểm khác biệt trong cách làm của ông Thành là dù bán buôn cho các thương lái Trung Quốc nhưng vẫn duy trì hợp đồng thu mua ký kết theo tháng.
![]() |
Chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường |
Xây chuỗi giá trị
"Hợp đồng này đã giúp chúng tôi rất nhiều. Như trung tuần tháng 5 vừa qua, giá chuối bán trên thị trường chỉ 3.000 đồng/kg, nhưng công ty vẫn bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg", ông Thành cho biết.
Ông Thành chia sẻ: Nếu không muốn bị đối tác, thương lái Trung Quốc làm khó, bắt bí, trước tiên sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mà họ đưa ra.
Hiện nay, bà con nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo phong trào, trong khi kỹ thuật sau thu hoạch còn hạn chế, thông tin về thị trường hạn hẹp. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường, đặc biệt là các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra.
Đặc biệt, theo Gs. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, để chấm dứt tình trạng "giải cứu" nông sản, chúng ta phải tổ chức lại theo hình thức HTX kiểu mới.
Trong đó, các hộ nông dân cá thể liên kết với nhau trên tinh thần, mục đích làm ăn thật. Có vùng nguyên liệu, HTX sẽ sản xuất theo yêu cầu về chủng loại, số lượng, chất lượng của DN, theo nhu cầu thị trường.
"Muốn cho sự hợp tác này bền vững phải có sự tham gia của bên thứ ba là Nhà nước. Nhà nước bằng cơ chế chính sách tạo điều kiện để nông dân cá thể liên kết được với nhau và môi trường tốt để DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp", ông Bửu nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi, tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết DN, tổ hợp tác/HTX, áp dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại…
Làm được những điều này, thị trường mới giảm được "giải cứu" nông sản, gia tăng giá trị cho toàn chuỗi, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường. Trong tiêu thụ sản phẩm có nhiều "nhà", nhưng quan trọng nhất vẫn là nhà DN và nhà nông. DN phải giải quyết các vấn đề mà không bao giờ nông dân tự giải quyết được là thị trường.
Thy Lê