![]() |
Nón lá Mỹ Trạch vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị thẩm mỹ |
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009, sau nhiều khó khăn, năm 2015, HTX quyết định chuyển đổi theo Luật HTX 2012, tích cực liên kết đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Sản lượng bình quân mỗi năm của HTX đạt khoảng 30.000 sản phẩm, gồm 5-6 mẫu hàng với 2 chủng loại, chủ yếu là nón lá nón và nón lá dừa.
Chú trọng đào tạo nghề
Những chiếc nón đơn sơ tưởng như rất dễ làm, đơn giản nhưng đối với người làm nón, họ phải trải qua khoảng 15 công đoạn như hái lá, sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, thêu, cắt chỉ… Nhất là trong khi nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng càng cao, làm sao để làm ra những chiếc nón là vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật thì đòi hỏi người làm nón ngoài sự khéo léo, cần mẫn, cần ứng dụng kỹ thuật vào quá trình làm nón.
Hiểu được điều đó và nhận thấy nghề làm nón đã tạo việc làm, thu nhập cho không ít lao động địa phương, nhất là lao động nữ và người khuyết tật nên HTX Mỹ Trạch đã chú trọng đào tạo để nâng cao tay nghề cho thành viên, người dân, từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.
“Được sự hỗ trợ của cấp ủy Đảng, lãnh đạo UBND xã Mỹ Trạch, UBND huyện Bố Trạch, Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành liên quan, HTX đã mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho các thành viên, người dân theo định kỳ hàng năm”-bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX nón lá Mỹ Trạch, cho biết.
Từ khi thành lập đến nay, các lớp dạy nghề do HTX liên kết với trung tâm dạy nghề tổ chức đã thu hút hàng trăm học viên, người dân tham gia. Tưởng như việc mở lớp dạy nghề làm nón ngay trên mảnh đất từ bao năm nay vẫn sống bằng nghề này là thừa, nhưng thực tế cho thấy những người hàng ngày đang sống bằng nghề làm nón vẫn khao khát được học nghề. “Học nghề không phải để lấy tiền hỗ trợ mà để biết cách áp dụng các kỹ thuật sao cho hiệu quả cao hơn”- cô Nguyễn Thị Liên, 55 tuổi, cho biết.
Thông qua các lớp dạy nghề, các học viên, người dân theo học nếu có nhu cầu đều được HTX bảo đảm việc làm sau khi học. Việc thường xuyên được thực hành tại HTX cũng là điều kiện để mọi người rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ thuật và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tự tin gắn bó với nghề.
Với vai trò là nền tảng để thúc đẩy và phát triển làng nghề nón Mỹ Trạch, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với những nghệ nhân để tổ chức truyền dạy nghề, thiết kế mẫu mã mới gắn với bản sắc dân tộc; mở rộng thị trường xuất khẩu… để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Khi đến thăm HTX, hầu hết mọi người đều thấy được sự khéo léo, tinh tế của những người làm nón. Không chỉ các thành viên mà người lao động tại HTX đều được đánh giá cao về tay nghề. Nhờ vậy, hoạt động của HTX đã thu được những kết quả đáng kể, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động ở nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho thành viên, làm cho bộ mặt quê hương ngày càng khởi sắc.
Tối ưu hóa sức mạnh tập thể
Không còn làm ăn đơn lẻ, manh mún, nhờ làm theo các công đoạn nên các thành viên, người dân đã biết liên kết cùng nhau sản xuất và tối ưu hóa sức mạnh tập thể. Hiện nay, các thành viên, người lao động đã biết tận dụng những thế mạnh của mình để giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Những thành viên trẻ tuổi đã biết kết hợp yếu tố truyền thống với xu hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Riêng công đoạn làm vành nón hiện nay không còn thực hiện bằng phương pháp thủ công mà được thực hiện bằng máy tại Huế và Đà Nẵng, vì thế chất lượng bảo đảm, đẹp đều và giá cả hợp lý.
Cơ chế quản lý sản phẩm của HTX được thực hiện theo phương thức: chỉ thu mua nón của thành viên dưới dạng bán thành phẩm (mới hoàn thành khâu chằm nón). Bởi công đoạn hoàn thiện hay còn gọi khâu “chuốt mã” cho nón thì không phải ai cũng làm tốt.
Vì vậy, sau khi thu mua nón, HTX giao cho những người có tay nghề cao thực hiện hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vậy, nón vừa đều, đẹp và ít lỗi, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng tiêu dùng và thị trường tiêu thụ.
Để tạo điều kiện cho thành viên phát triển sản xuất, khi cung ứng vật liệu, HTX tạo điều kiện cho thành viên khó khăn được nợ tiền. Khi thu mua nón, HTX trả tiền đầy đủ, kịp thời, nên được người dân tín nhiệm. Mọi người đều nhiệt tình, trách nhiệm với nghề. Chính vì thế, mỗi sản phẩm của HTX “ra lò” đều nhận được ưa chuộng từ khách hàng và các đại lý.
Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh việc vừa bán hàng tập trung, vừa phân phối qua các đại lý. Sản phẩm của HTX cũng xuất sang nước Lào và các tỉnh bạn. Song song đó, HTX tiến hành huy động thêm vốn góp của thành viên, thu hút thêm thành viên để tiếp tục duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tránh tình trạng người dân bỏ quê đến các địa phương khác lập nghiệp.
Huyền Trang