Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu (XK) gạo trong tháng 4/2019 ước tính đạt 620.000 tấn, trị giá 256 triệu USD, giá XK bình quân tiếp tục giảm 4% so với tháng 3, xuống 413 USD/tấn, do nguồn cung dồi dào và Trung Quốc chưa tăng nhập khẩu (NK) trở lại.
"Bế tắc" thị trường Trung Quốc
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, tổng lượng gạo XK ước đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, giá XK bình quân 428 USD/ tấn, giảm 14,9%.
Đối với Trung Quốc, kể từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường này đã áp dụng nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc NK gạo từ Việt Nam như tăng thuế NK gạo nếp từ 5% lên 50%, kiểm soát chặt NK gạo tấm.
"Có thể nói, các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc là nguyên nhân ảnh hưởng đến XK gạo của Việt Nam và không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng Nhân dân tệ mất giá", Trung tâm Công nghiệp và Thương mại đánh giá. Dự báo khả năng đẩy mạnh XK sang Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn đang gặp nhiều trở ngại, nhất là việc Trung Quốc có thể giải phóng kho dự trữ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết lượng gạo XK của công ty sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay rất ít, không đáng kể do nhu cầu mua hàng từ thị trường này giảm mạnh. Thời gian qua, công ty buộc phải tìm các thị trường thay thế như Malaysia, Philippines, Trung Đông…
"Là thị trường truyền thống, từng chiếm gần 50% thị phần, nên khi Trung Quốc giảm mua sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ gạo của Việt Nam", ông Bình đánh giá.
Trong khi đó, ông Đào Việt Ánh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nhận định Trung Quốc là thị trường NK gạo lớn của Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại mắc nhiều hạn chế, nhất là thiếu thông tin về thị trường, về đối tác, đặc biệt là các DN nằm ở vùng sâu của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo lớn nào thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, ông Ánh cho rằng DN XK gạo Việt Nam nên chú ý các quy định về XK gạo, nhất là các ký kết giữa hai nước, đồng thời chủ động và tích cực hơn nữa về công tác xúc tiến thương mại, tăng cường các kênh phân phối tại các trung tâm, siêu thị và đặc biệt là kênh thương mại điện tử.
Hơn nữa, phía Trung Quốc hiện đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo, nên các DN kinh doanh XK gạo của Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro có thể phát sinh khi XK gạo.
![]() |
Dự báo triển vọng XK gạo trong quý II/2019 chưa thực sự lạc quan |
Không phải không có cách
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông lâm sản (Bộ NN&PTNT) dự báo triển vọng XK gạo trong quý II/2019 chưa thực sự lạc quan bởi ngoài thị trường Trung Quốc có nhiều rào cản phải ứng phó, nhiều thị trường khác như Philippines, Indonesia... đã NK nhiều gạo trong năm trước và chưa có nhu cầu nhập trở lại.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng kỳ vọng, XK gạo của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố 22 DN được phép XK gạo vào thị trường này và trong cả năm 2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục NK 5,3 triệu tấn gạo.
Mặt khác, đại diện Bộ Công Thương cho rằng tuy XK từ năm 2018 trở lại đây có biến động theo hướng giảm, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, nhưng không phải không có giải pháp để phát triển thị trường mới.
Điển hình là Campuchia, mặc dù đi sau Việt Nam về sản xuất và XK gạo nhưng nước này đã có gạo thơm Phka Romdoul nổi tiếng, thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa chọn ra được giống lúa tốt làm chủ lực nên đang XK rất nhiều loại gạo khác nhau, dẫn đến hạn chế về mặt thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Khắc phục được điều này, Việt Nam sẽ có thị trường mới thay thế thị trường Trung Quốc.
Theo Gs. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, trong cơ chế thị trường hiện nay, các DN muốn XK gạo thành công cần phải có tính chuyên nghiệp và tạo được uy tín trên thị trường thế giới. Các thị trường NK hiện không chỉ thay đổi cơ chế NK gạo mà còn có những yêu cầu cao về chất lượng.
Vì vậy, DN phải có sự liên kết với nông dân, các HTX để xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho chính DN cũng ngành gạo Việt Nam.
Thy Lê